• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành chăn nuôi Hà Nội: Hướng tới trung tâm giống chất lượng cao

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 22/05/2017
Ngày cập nhật: 23/5/2017

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị chăn nuôi... trên cơ sở tận dụng lợi thế, ngành chăn nuôi Hà Nội đang phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp giống vật nuôi chất lượng cao của cả nước. Đây được coi là "nút mở" cho phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững...

Ngành chăn nuôi Hà Nội đang phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp giống vật nuôi chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền

Lợi thế nhiều nguồn giống mới

Hiện toàn thành phố có đàn lợn nái khoảng 227.000 con, trong đó đàn lợn nái ngoại cấp "ông bà" 3.670 con được nuôi tại 21 trại chăn nuôi quy mô công nghệ cao, hằng năm sản xuất ra hơn 22.000 lợn giống "bố mẹ" và hơn 4 triệu lợn giống thương phẩm. Trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt, thành phố đã có chính sách hỗ trợ nhập giống ngoại cùng các biện pháp kỹ thuật mới như: phối tinh bò nhập ngoại, tinh phân ly giới tính... Mới đây, Hà Nội hợp tác với Nhật Bản để đưa giống bò Kobe vào sản xuất ở các xã chăn nuôi bò trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Cùng với việc duy trì và phát triển các giống bản địa như gà ri, gà Mía, vịt cỏ… đã có nhiều giống chất lượng cao nhập ngoại được đưa vào sản xuất (chủ yếu là gà "bố mẹ"), mỗi năm được gần 55 triệu con giống, trong đó xuất đi các tỉnh khoảng 27 triệu con. Việc phát triển giống vật nuôi ở Hà Nội có nhiều lợi thế do gần các trung tâm nghiên cứu, lưu giữ nhiều nguồn giống quý; đồng thời, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhập giống cấp "cụ kỵ" chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc trở thành trung tâm giống chất lượng cao, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Giám định chưa đồng bộ; thiếu vùng chuyên canh; quản lý xuất, nhập, lưu thông thiếu chặt chẽ... Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội dẫn chứng: Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của Hà Nội đạt 19-21 con cai sữa/nái/năm, trong khi ở các nước Bỉ, Hà Lan, Canada… đạt tới 32-33 con cai sữa/nái/năm, do vậy chi phí sản xuất giống của họ chỉ bằng 60-70% so với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các giống gia cầm, thủy cầm bản địa có nguồn gen quý nhiều năm bị “lãng quên”, chưa phát triển tương xứng...

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân chia sẻ: Hiện cơ sở chuồng trại của nhiều trung tâm, đơn vị làm công tác về giống vật nuôi đầu tư chưa đồng bộ, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn nghèo nàn, đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu cho các thí nghiệm; nguồn kinh phí cho nghiên cứu giống hạn chế... Hiện các công ty giống trên thế giới đều áp dụng công nghệ khai thác giống theo hình tháp 4 cấp: "cụ kỵ" - "ông bà" - "bố mẹ" - thương phẩm, còn nước ta nhập giống chủ yếu từ công đoạn "ông bà" - "bố mẹ" - thương phẩm, nên năng suất chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hộ vì lợi nhuận, sản xuất con giống không bảo đảm chất lượng...

Cần nguồn lực cơ sở vật chất

Để Hà Nội thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao, ông Phan Đăng Danh, Chủ tịch HTX Chăn nuôi An Phú cho rằng: Trước mắt, các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng đến công tác giống, không sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không nên tự tạo giống khi không am hiểu kỹ thuật.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (đơn vị bảo tồn, phát triển giống gà Mía nổi tiếng xứ Đoài) chia sẻ: Để quản lý đàn giống theo chuỗi, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, các đơn vị của Bộ NN&PTNT cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng giống và chỉ cấp chứng chỉ giống cho những cơ sở sản xuất có uy tín; đồng thời, công khai những cơ sở sản xuất con giống không bảo đảm chất lượng.

Về chiến lược lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng khẳng định: Hà Nội không phát triển giống vật nuôi ở các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát mà khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện về đất đai, tài chính đầu tư theo vùng, sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với thương hiệu. Hà Nội đã có quy hoạch cụ thể cho từng loại vật nuôi, trong đó có 15 xã chăn nuôi bò trọng điểm, 29 xã chăn nuôi gia cầm, 13 xã chăn nuôi lợn... Trên cơ sở quy hoạch chăn nuôi theo vùng trọng điểm, Hà Nội phát triển song song cả 2 loại giống ngoại chất lượng cho năng suất cao và các giống bản địa để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng khoảng 100 trang trại giống chất lượng cao, quy mô lớn có sự phối hợp liên kết với các công ty, tập đoàn sản xuất giống vật nuôi uy tín trên thế giới để sản xuất giống theo đúng "tháp 4 cấp" chuẩn quốc tế. Các vùng trọng điểm chuyên sản xuất giống sẽ được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, quản lý phòng chống dịch bệnh… theo chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được thành phố phê duyệt.

Sơn Tùng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang