• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 06/06/2017
Ngày cập nhật: 9/6/2017

Mô hình của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh Đắk Nông’’ đã được nhân rộng giai đoạn 2013-2015 trong cộng đồng, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thành công của dự án góp phần thay đổi tập quán, thói quen chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, dự án đã cấp 9 con bò đực giống Brahman 75% máu lai cho 9 hộ dân tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong).

Tham gia mô hình, ông Đồng Văn Hỷ ở thôn 7, xã Quảng Hòa là một trong 9 hộ dân được cấp bò đực giống. Bò đực giống của gia đình ông đã phối giống trực tiếp cho hơn 30 con bò cái nền giống địa phương và sinh sản đàn bê lai giống Brahman tầm vóc lớn hơn giống địa phương 20 - 30%, giá bán cao hơn 5 - 8 triệu đồng/con. Ngoài giá trị kinh tế, ông còn được tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đây là điều khá mới mẻ với bà con nông dân ở một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này.

Đàn bò lai của ông Đồng Văn Hỷ ở thôn 7, xã Quảng Hòa

Theo bà con nông dân, qua một thời gian chăn nuôi, bò lai Brahman đỏ rất thích nghi với điều kiện thời tiết địa phương; sinh trưởng, phát triển nhanh, có khả năng phối giống tốt. Trọng lượng bê sơ sinh: 20 - 30 kg, nuôi đến 6 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng 120 - 150 kg/con, bò đực trưởng thành từ 700 - 1.000 kg/con, bò cái 500 - 600 kg/con.

PGS.TS. Hoàng Nghĩa Sơn - Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số hoóc môn sinh sản và xây dựng công thức lai tạo để nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” cho biết: Trong thời gian tới, muốn cho chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát triển phải tiếp tục đầu tư hơn nữa về chất lượng con giống, phát triển bò lai Brahman hoặc bò Sindhi trước để tạo con nền. Khi trọng lượng con lai đã tương đối lớn, lấy con lai làm con cái nền cho lai nhân tạo với các loại tinh của giống bò thịt cao sản như: Drought Master, Charolais… Khi đó sẽ cho ra con lai thương phẩm để nuôi thịt. Con giống cần được cải tạo, nhưng trước tiên phải nâng tầm vóc con bò địa phương phát triển lên trước.

Theo đó, nên có một chương trình để loại thải những con bò đã bị đồng huyết nhiều. Trên thực tế, để xác định tỉ lệ máu lai trong một con bò mà người dân đang nuôi là rất khó. Do đó, muốn biết được tỉ lệ máu lai của nó cần phải thông qua lý lịch để theo dõi. Ví dụ: Một con bò địa phương cho lai với một con bò Brahman thì F1 sẽ là 50% máu địa phương và 50% máu Brahman. Tiếp theo dùng con cái F1 này làm cái nền để gieo tinh Brahman thì F2 sẽ là 75% máu Brahman. Cứ tiếp tục như vậy sẽ nâng tỉ lệ máu Brahman lên nếu dùng tinh Brahman để gieo với con bò mà mình đã chọn làm con cái nền trước.

Ưu điểm của bò lai là mắn đẻ, lành tính, nuôi con giỏi, năng suất thịt cao hơn hẳn các giống bò khác. Bò Brahman còn kháng ve, ký sinh trùng đường máu, không mắc các bệnh về mắt, móng, thể lực tốt, thích nghi cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong quá trình chăn nuôi, bò lai còn thải ra lượng chất thải gấp đôi bò địa phương, sử dụng bón cho cây trồng rất tốt. Đây là nguồn phân chuồng để cải tạo, tăng độ ẩm, tơi xốp đất, giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất. Bò lai ưa chuồng trại sạch sẽ, công tác phòng ngừa dịch bệnh phải tiến hành định kỳ.

Ông Trần Văn Điền, thôn 9, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) là một trong 10 hộ nông dân tham gia mô hình trồng cỏ thuộc dự án chia sẻ: Để bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng dịch bệnh trong chăn nuôi, định kỳ hàng tháng gia đình ông xịt thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng trại. Ngoài các giống cỏ mà dự án cấp, ông còn chủ động sưu tầm nhiều giống cỏ khác nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò.

Vào mùa khô thường gặp khó khăn về nguồn thức ăn cho gia súc. Dự án đã hướng dẫn nông dân sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp ủ chua dự trữ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Khi ủ chua thức ăn được bảo quản lâu dài, ít ảnh hưởng chất lượng dinh dưỡng, thức ăn có thêm tinh chất mới như mùi thơm, vị chua nhẹ lẫn vị ngọt hấp dẫn vật nuôi ăn nhiều hơn. Nguyên liệu làm thức ăn ủ chua rất đa dạng như: thân cây ngô, rơm, ngọn lá mía, thân cây lạc…

Dự án chuyển giao kỹ thuật: “xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh Đắk Nông’’ hướng đến xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt. Triển khai mô hình giúp cho người chăn nuôi hiểu rõ hơn lợi ích của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi vỗ béo bò thịt. Đó là công tác vệ sinh định kỳ, tiêm phòng trước giai đoạn vỗ béo, khẩu phần thức ăn hợp lý, giảm mức tiêu tốn thức ăn... Nuôi vỗ béo rút ngắn thời gian chăn nuôi, bò tăng trọng nhanh, nâng cao chất lượng thịt.

Dự án được triển khai ở địa phương có tác động tích cực đến việc xóa đói, giảm nghèo, góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng. Bò lai chất lượng cao là một trong 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông nằm trong danh mục sản phẩm đặc trưng nổi trội của tỉnh đang được tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020.

Mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi bò bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, phù hợp điều kiện chăn nuôi địa phương. Đây là tín hiệu vui trong phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng tính đa dạng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi tỉnh Đắk Nông.

Giai đoạn đầu triển khai mô hình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi có 10 hộ nông dân tham gia, với 3,7 ha. Tháng 8/2015 kết thúc thời gian triển khai dự án, diện tích cỏ tăng lên 6 ha.

Đến nay, diện tích này tăng lên gần 30 ha, hàng trăm hộ dân đã chủ động tìm tòi các giống mới, luân phiên canh tác trên cùng một diện tích đất. Nhiều hộ nông dân nhận thức được vai trò của việc trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi để giảm thời gian chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn cho bò.

Mai Hoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang