Nguồn tin: Báo Phú Yên, 10/06/2017
Ngày cập nhật:
12/6/2017
Nông dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) chăm sóc bò trong mùa nắng nóng - Ảnh: Việt An
Thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút phát sinh, làm hại đàn vật nuôi. Để phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, các địa phương và ngành chức năng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng dịch cho người chăn nuôi.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, do thời tiết nắng nóng nên vật nuôi thường uống nhiều nước, ăn ít dẫn đến sức đề kháng giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút xâm nhập và gây bệnh. Trước tình hình này, chi cục đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng chính quyền sở tại hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng dịch như vệ sinh tiêu độc môi trường, tiêm phòng vắc xin, cấp phát thuốc sát trùng...
Ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên), những ngày qua, các ngành chức năng của huyện này đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng dịch cho vật nuôi. Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Đồng Xuân Nguyễn Khắc Hoàng Quang cho biết: Hiện đàn bò của địa phương có gần 17.000 con, tập trung nhiều nhất ở các xã vùng cao như Đa Lộc, Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Lãnh... Người dân ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, có tập quán chăn nuôi thả rông trên rẫy. Vì vậy, địa phương đang tập trung vận động bà con hạn chế việc chăn thả gia súc, áp dụng phương pháp nuôi nhốt tại chuồng, cho ăn cỏ và rơm rạ. Trong trường hợp chăn thả thì đưa gia súc đi vào sáng sớm khi thời tiết còn mát mẻ và lùa về muộn hơn để tránh nắng. Ngoài ra, trạm còn hướng dẫn người nuôi thường xuyên bổ sung thức ăn thô xanh, muối khoáng, nước uống và các loại vitamin để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng.
Tại huyện Sông Hinh, Phòng NN-PTNT, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện cũng đang hướng dẫn người dân nhiều biện pháp phòng dịch cho đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho hay: Địa phương hướng dẫn bà con dựng chuồng nuôi ở nơi có bóng cây hoặc sử dụng cành lá cây để che trên mái chuồng. Chuồng nuôi phải được quét dọn thường xuyên, chất thải phải được thu gom và xử lý hàng ngày bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng. Đồng thời, bà con có thể tưới dội nước nền chuồng từ 1-2 lần/ngày để nền chuồng sạch sẽ và giảm nhiệt. Còn theo ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện này, trạm vừa kết thúc đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc của địa phương với tỉ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) đạt 82% tổng đàn (khoảng 15.800 con), tụ huyết trùng đạt 14%. Ngoài ra, trạm cũng đã cấp phát cho các xã, thị trấn 700 lít thuốc sát trùng RTD Iodine để phun tiêu độc vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực nuôi, giúp tiêu diệt mầm bệnh lưu cữu trong không khí.
Trong khi đó, huyện Tuy An tập trung mạnh vào việc vận động tiêm phòng và hướng dẫn người nuôi những cách nhận biết sớm các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh. Ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Tuy An, cho biết: Mùa này vật nuôi rất dễ nhiễm các bệnh cảm nắng, cảm nóng. Khi vật nuôi tỏ ra mệt mỏi, thân nhiệt cao, chân đi không vững, thở dồn... thì bà con nhanh chóng cho vật nuôi vào chỗ mát, dùng nước tắm toàn thân, cho uống nước đường có pha thêm vitamin C và cho vật nuôi nghỉ ngơi. Đối với những loại dịch bệnh khác như LMLM, tụ huyết trùng, tả..., người nuôi phải tuân thủ việc tiêm phòng vắc xin ngừa dịch bệnh theo quy định. Vừa qua, trạm đã triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM được hơn 26.000 liều và khoảng 2.900 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò.
Người dân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) thực hiện nuôi nhốt bò và bổ sung thức ăn thô xanh - Ảnh: Thủy Tiên
Người chăn nuôi không nên chủ quan
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đào Lý Nhĩ, hiện đàn vật nuôi của tỉnh ổn định, chưa phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, dịch bệnh rất dễ bùng phát và gây hại nên người chăn nuôi không được lơ là. Trong đó, người nuôi cần đặc biệt cảnh giác đối với các loại bệnh thường phát sinh trong mùa hè như cảm nắng, LMLM, tụ huyết trùng, tiêu chảy ở trâu, bò; tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tả ở heo và các bệnh tụ huyết trùng, grumboro, ecoli, tả ở gia cầm. Vừa qua, chi cục đã cấp phát 5.000 lít thuốc sát trùng cho các địa phương để phun tiêu độc sát trùng môi trường. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng cho trâu, bò. Kết thúc đợt tiêm phòng, toàn tỉnh có 70% tổng đàn trâu, bò được tiêm vắc xin LMLM (103.000 con) và 26% tổng đàn được tiêm vắc xin tụ huyết trùng (39.000 con). So với các đợt trước, lần này tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp và chưa đủ yêu cầu để phòng dịch (theo quy định phải đạt từ 80% trở lên).
Ông Đào Lý Nhĩ cho hay: Tỉ lệ tiêm phòng giảm là do cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng thay đổi. Đợt này chỉ có 74 xã, phường thuộc vùng đệm được cấp miễn phí vắc xin LMLM. Các địa phương thuộc vùng có nguy cơ thấp, người chăn nuôi phải tự mua vắc xin. Trong khi đó, dịch bệnh này đang “lắng” nên không ít người chủ quan không tiêm ngừa cho vật nuôi. Việc tiêm phòng đối với các loại vắc xin khác cũng gặp nhiều khó khăn vì giá gia súc, gia cầm thời gian qua bấp bênh, người nuôi không có lãi nên ít quan tâm phòng ngừa dịch bệnh.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tiêm phòng vắc xin bổ sung cho gia súc đến tuổi tiêm phòng, gia súc chưa tiêm phòng theo quy định trong đợt chính và gia súc mới nhập đàn. Các huyện, thị xã, thành phố cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người nuôi về hiệu quả của việc tiêm phòng và những nguy cơ bùng phát dịch nếu không tiêm phòng (Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y).
Thủy Tiên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.