Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 14/06/2017
Ngày cập nhật:
15/6/2017
Mật ong được xác định là một trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, sản phẩm mật ong Tiên Yên được tiêu thụ khá tốt, cùng với các chính sách khuyến khích của huyện nên hoạt động nuôi ong lấy mật trên địa bàn phát triển mạnh. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, tính đến thời điểm này, ước toàn huyện Tiên Yên có trên 4.000 đàn ong, tổng sản lượng mật thu được khoảng 50.000 lít/năm.
Anh Đào Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên, xóm Nương, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, kiểm tra đàn ong mật.
Không chỉ có lợi thế tự nhiên như rừng nhiều, người nuôi ong ở Tiên Yên cũng đã tích luỹ được kinh nghiệm và nuôi ong theo quy trình kỹ thuật, yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng mật. Anh Đào Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên, xóm Nương, xã Tiên Lãng, cho biết: Nguyên tắc nuôi ong của anh là chỉ khai thác mật vào thời điểm 2 tháng vụ hoa rừng nở rộ nhất, thời gian còn lại dù có mật cũng không quay mà để dưỡng ong. Ngoài ra, anh cũng là người biết cách giữ nhiệt cho ong vào mùa đông và khắc phục tồn tại đặc trưng của loài ong nuôi là chứng thối ấu trùng. Chính bởi vậy, mật ong của gia đình anh Nghĩa nói riêng, của HTX Chế biến, khai thác mật ong Tiên Yên nói chung được coi là sản phẩm tiêu biểu của mật ong Tiên Yên.
Sản phẩm mật ong Tiên Yên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, trong chiến lược phát triển các nông sản chủ lực của huyện, mật ong được huyện Tiên Yên ưu tiên khuyến khích nhân rộng số lượng đàn ong và sản lượng mật cũng như thí điểm áp dụng khoa học, kỹ thuật trong việc tách nước, loại bỏ tạp chất, bổ sung thêm dưỡng chất cần thiết để tạo ra sản phẩm mật ong có chất lượng đặc biệt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo dự tính của huyện Tiên Yên, trong năm 2017 có thể nâng số đàn ong và sản lượng mật lên 1,5-2 lần hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng mật ong sẽ kéo theo một vấn đề cần giải quyết đó là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm mật ong Tiên Yên vẫn do người nuôi tự chủ động tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ mới chỉ ở dạng nhỏ lẻ trong huyện, tỉnh. Đa số các hộ nuôi ong đều mang sản phẩm mật ong của mình giới thiệu và gửi bán ở các cửa hàng trong tỉnh. Riêng cơ sở của anh Đào Trọng Nghĩa mỗi năm sản xuất ít nhất trên 2.000 lít mật đều phải mang gửi tại các cửa hàng, hiệu thuốc bắc, sạp tạp hoá tại TP Hạ Long. Do mật ong của gia đình anh Nghĩa đã có uy tín với người mua, sản phẩm lại có chất lượng tốt, để được thời gian lâu đến 2 năm nên việc tiêu thụ không quá khó. Tuy nhiên, theo anh Nghĩa việc cứ ký gửi sản phẩm và phụ thuộc vào người bán hàng cũng không phải là cách tiêu thụ bền vững, nhất là sắp tới huyện sẽ mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng. Nếu sản lượng mật sản xuất ra nhiều mà không tiêu thụ được thì dễ xảy ra tình trạng người nuôi bán tháo, bán giá thấp, dẫn đến phá giá thị trường, ảnh hưởng tới tổng thể hoạt động sản xuất mật ong trên toàn huyện. Chính bởi vậy, hiện nay rất nhiều hộ nuôi ong quy mô lớn của huyện đều quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm. Điều này cho thấy huyện Tiên Yên cùng với việc phát triển đàn ong và nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, rất cần phải đưa ra giải pháp về công tác quản lý, đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Nhiều ý kiến cho rằng muốn vậy cần phải có một tổ chức đủ mạnh, đủ uy tín để tập hợp các hộ sản xuất, đứng ra chịu trách nhiệm về việc tiêu thụ hoặc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Thực tế sản phẩm mật ong từng là sản phẩm ưu thế của nhiều địa phương, tuy nhiên đến nay chỉ có sản phẩm của Tiên Yên là đang có chỗ đứng trên thị trường hơn cả. Sản xuất mật ong cũng là hoạt động được đánh giá mang lại lợi nhuận cao, tính trung bình cho doanh thu 400 triệu đồng/quy mô 100 đàn, trong khi đó suất đầu tư mỗi đàn thấp, chỉ khoảng trên 1 triệu đồng và khai thác được trong vòng 5-10 năm. Bởi vậy, có thể nói định hướng đưa sản phẩm mật ong vào nhóm sản phẩm trọng điểm và triển khai chiến lược nhân rộng, nâng cao quy mô, sản lượng của huyện Tiên Yên là rất đúng đắn. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị hoạt động này, huyện Tiên Yên cần phải có tầm nhìn toàn diện hơn, tăng cường về công tác quản lý và quan trọng hơn là khơi thông về đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Việt Hoa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.