Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 09/06/2017
Ngày cập nhật:
20/6/2017
Để chủ động được nguồn nước trong sản xuất, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện thí điểm mô hình “đào ao trữ nước” tại xã Đại Tâm. Đây có thể xem là mô hình bền vững ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.
Mô hình đào ao trữ nước không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn tạo nguồn lợi thủy sản.
Tham gia chuyến khảo sát vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên cùng ngành Nông nghiệp tỉnh, chúng tôi có dịp đến trang trại nuôi bò sữa của ông Diệp Kỉnh Tân - chủ doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc, ở ấp Đại Nghĩa, xã Đại Tâm. Với diện tích hơn 5ha, nuôi gần 200 con bò sữa, trang trại nuôi bò sữa của ông Tân được đầu tư thiết bị tự động hóa các khâu vệ sinh, lấy sữa…
Còn về nguồn thức ăn, ông Tân hiện đã đầu tư 7ha đất trồng cỏ nhập từ nước ngoài và một số loại cỏ nội địa, có gắn hệ thống phun tưới tự động để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Tuy nhiên, trong năm hạn, mặn vừa qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến diện tích trồng cỏ. Chính vì vậy, ông Tân đã mạnh dạn đầu tư một phần diện tích đất để đào ao trữ nước. Theo đó, bước đầu ông Tân đã và đang đào diện tích ao khoảng 5.000m2 với độ sâu 4m đến 5m để trữ nước ngọt; đồng thời, tận dụng bờ bao xung quanh, cũng như diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ, trồng bắp với diện tích khoảng 3ha phục vụ cho trang trại nuôi bò sữa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tân cho biết: “Năm 2015, tôi tham gia mô hình nuôi bò sữa theo hình mẫu của tỉnh. Trong quá trình nuôi, do bị ảnh hưởng của hạn, mặn làm cỏ chết rất nhiều, không có nước bơm tưới nên dẫn đến nguồn thức ăn không đủ cung cấp cho bò. Lúc đó, chủ trương của lãnh đạo ngành nông nghiệp khuyến khích nên đào ao trữ nước, tôi đào thử một ao khoảng 2.000m2, độ sâu 5m, chứa khoảng 10.000m3. Do vậy, mùa khô năm nay đã chủ động được nguồn nước tưới cho cỏ và tôi còn mở rộng diện tích khoảng 3ha để trồng bắp nhằm ủ chua, tạo nguồn thức ăn phong phú cho đàn bò”. Cũng theo ông Tân, từ hiệu quả của việc đào ao trữ nước, hiện nay ông đang đầu tư đào thêm khoảng 3.000m2, độ sâu 4m để trữ nước tưới cho bắp và cỏ; mặt khác, tạo được nơi trú ngụ cho các loại cá đồng. Ông Tân vui vẻ cho biết thêm: “Ngoài việc đào thêm ao trữ nước để tưới cho bắp, tôi còn tận dụng được diện tích bờ bao để trồng cỏ và trong 2 năm tới có thể thu được nguồn lợi cá đồng đáng kể”.
Trong những năm gần đây, tình trạng biến đổi thời tiết bất thường, gây khó khăn cho người dân; trong đó, khó khăn nhất là không thể chủ động được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để tìm ra hướng an toàn trong sản xuất, các cấp chính quyền địa phương cùng với người dân đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó và mô hình đào ao trữ nước là một trong những mô hình có hiệu quả, góp phần giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Trần Quốc Quang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Để phòng chống hạn, mặn, huyện đang thực hiện mô hình thí điểm đào ao dự trữ nước ngọt. Theo đó, chúng tôi chọn xã Đại Tâm làm một trong những điểm để xây dựng mô hình. Sau khi công trình đào ao này hoàn thành sẽ tích lũy được nguồn nước phục vụ cho trang trại nuôi bò, ngoài việc trữ ngọt thì còn phát huy được thế mạnh là trồng cỏ, bắp qua việc biến đổi những nền đất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng phục vụ cho vùng chăn nuôi”.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng của ngành về mô hình này trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Quang thông tin thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp của tỉnh để xây dựng mô hình cho các xã có thế mạnh về nông nghiệp, chăn nuôi bò, như: Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú và Thạnh Quới”.
Còn theo đồng chí Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình đào ao trữ nước không chỉ phục vụ cho cây trồng mà còn có thể phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Do hiện nay, có một số doanh nghiệp nuôi tôm cặp theo ven biển không có nước ngọt mà muốn dẫn nước ngọt đến ao thì không được, vì vậy, có thể đầu tư đào ao khoảng 2ha đến 3ha để trữ nước ngọt và sau đó pha với nước biển, đáp ứng yêu cầu cho độ mặn cho con tôm. Còn đối với vùng tôm - lúa ở Mỹ Xuyên, nếu như tình hình lũ về sớm và mưa cũng sớm như năm nay, những hộ không khả năng lấy nước mặn để nuôi tôm được thì có thể đào ao và lấy nước mặn vô để trữ lại và sau đó pha với nước ngọt để phục vụ cho nuôi tôm nước lợ.
Mô hình “đào ao trữ nước” là một trong những mô hình điểm được tỉnh rất quan tâm. Đồng chí Lương Minh Quyết cho biết thêm: “Hướng tới, tỉnh sẽ có biện pháp hỗ trợ và nhân rộng mô hình này nhằm xây dựng mô hình mang tính bền vững, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; qua đó góp phần giúp cho các hộ dân yên tâm sản xuất vào mùa khô hạn trong thời gian tới”.
Tuyết Xuân
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.