• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tràn lan sạp thịt vỉa hè

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 19/06/2017
Ngày cập nhật: 21/6/2017

Dù đã thực hiện hàng loạt các giải pháp “cứu” heo, nhưng đến nay thực trạng cung vượt cầu của thị trường thịt heo vẫn còn tồn tại. Giá heo bán tại trại hiện vẫn đứng ở mức thấp, từ 22-25 ngàn đồng/kg.

Thịt heo “nhà” được bày bán tràn lan trên các vỉa hè đường Bùi Trọng Nghĩa, phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa).

Trong đó, giá heo quá tải trọng thấp hơn nhiều so với mức giá trên, thậm chí không tìm được người mua. Người chăn nuôi “tự cứu” bằng cách tổ chức giết mổ đưa ra thị trường bán theo kiểu sạp thịt vỉa hè.

* Khó kiểm soát

Hoạt động kinh doanh tự phát của các sạp thịt vỉa hè dần lan rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ vỉa hè gần các khu chợ truyền thống đến các tuyến đường lớn rồi len lỏi cả vào tận các ngõ xóm, nơi có đông dân cư.

Thịt heo thường được bày ngay trên các vỉa hè, lề đường đầy bụi bẩn. Những chiếu thịt này thu hút người mua bằng giá rẻ và thường bán mão theo kiểu 100 ngàn đồng 3-4 kg thịt heo tùy loại. Nguyên nhân heo có giá rẻ bất ngờ như trên là vì đây chủ yếu là loại heo già, quá tải trọng. Việc kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng là câu hỏi còn bỏ lửng.

Chỉ vào sạp thịt vẫn còn đầy dù đã gần trưa, chị T., chủ một sạp thịt heo vỉa hè tại khu vực xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Sáng sớm, thịt ngon tôi còn bán được 100 ngàn đồng/3kg, giờ bán mão 100 ngàn đồng/4kg. Hàng càng ế, giá còn rẻ hơn mức này rất nhiều”.

Mỗi ngày, vợ chồng chị T. thường chỉ mổ khoảng 1 con heo. Thứ bảy, chủ nhật, họ đưa thịt ra bán tại khu vực chợ Dốc Mơ (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), ngày thường thì dạt sang bán ở tuyến đường ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Vợ chồng chị đi bán dạo vỉa hè được khoảng 2 tháng nay vì thương lái không mua heo quá khổ, cực chẳng đã họ mới phải tự giết mổ đi bán dạo.

Một điểm bán thịt heo trên vỉa hè đường Đồng Khởi, phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân

Vì nhu cầu tiêu thụ heo ngoài thị trường là có hạn, phong trào “thịt heo xuống đường” này gây khó khăn không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống.

Bà Hà Thị Thanh, tiểu thương bán thịt heo trong chợ Hóa An (TP.Biên Hòa), lo lắng: “Hiện giá thịt heo bán tại chợ đã giảm hơn từ 15-20 ngàn đồng/kg so với thời điểm heo chưa rớt giá, nhưng lượng thịt tiêu thụ tại sạp của tôi vẫn giảm khoảng 40% so với trước do bị ảnh hưởng bởi những sạp thịt vỉa hè giá rẻ. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh vì chúng tôi phải trả rất nhiều loại thuế, phí”.

Áp lực cạnh tranh giữa các sạp thịt vỉa hè cũng rất lớn. Chị T. cho biết: “Bây giờ nhà nhà mổ heo đi bán. Chỉ tính riêng khu vực chợ Dốc Mơ vào sáng thứ bảy, chủ nhật đã có gần 20 chục sạp thịt do người nuôi tự đưa heo giết mổ mang ra bán. Tuy bán vỉa hè nhưng mỗi con heo có đến 6 dấu mộc chứng nhận từ lò giết mổ. Theo đó, người nuôi buộc phải trả phí từ 350-400 ngàn đồng cho 1 con heo đưa vào lò giết mổ tập trung”.

* Không thể buông lỏng

Sạp bán thịt heo vỉa hè tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Đến nay, tình trạng tự giết mổ heo bán lẻ đã khá phổ biến, tập trung nhiều tại địa bàn huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, cho biết: “Thời gian qua, lợi dụng hoạt động “giải cứu” heo, nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ đã tiến hành giết mổ tự phát khiến cho việc quản lý giết mổ lậu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động này diễn ra rải rác, trong đó phường Long Bình và Trảng Dài là những điểm nóng”.

Cũng theo ông Phước, hiện Biên Hòa còn nhiều lò giết mổ không phép, dù đoàn kiểm tra đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng những cơ sở này vẫn cố tình tái phạm. Sắp tới, TP.Biên Hòa sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra hoạt động giết mổ, sớm giải quyết dứt điểm những lò giết mổ lậu trên địa bàn.

Biên Hòa cũng đề nghị nên cắm các biển báo chỉ dẫn hướng vận chuyển gia súc để phòng chống dịch bệnh, hạn chế tình trạng đưa gia súc vào trung tâm, các khu vực dân cư để giết mổ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hiện tại, việc cắm biển này đã được áp dụng để kiểm dịch gia cầm.

Tại cuộc họp báo cáo về tình hình quản lý chăn nuôi và sắp xếp giết mổ trên địa bàn tỉnh ngày 16-6, ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, nêu ý kiến: “Việc quản lý hoạt động giết mổ thời gian qua còn gặp khó khăn. Vì trong chiến dịch “giải cứu” heo, việc giết mổ tự phát, không có giấy phép vẫn còn tồn tại".

Ông Cường cho biết, huyện Thống Nhất đã có những biện pháp kiểm tra, vận động người chăn nuôi đưa heo vào giết mổ ở các điểm tập trung đã được cấp phép và mở 2 cửa hàng bán thịt heo bình ổn giá. Huyện kiến nghị tỉnh bổ sung thêm lò giết mổ ở khu vực Gia Kiệm, nơi tập trung sản xuất giò chả nên có nhu cầu lớn về thịt heo để hạn chế tình trạng giết mổ không phép.

Đại diện của TX.Long Khánh cho rằng: “Về việc “giải cứu” heo, thị xã quán triệt phương châm hỗ trợ cho người chăn nuôi chứ không hỗ trợ cho tiểu thương. Các địa phương có điểm bán heo dọc đường thường xuyên kiểm tra, xử lý các tiểu thương vi phạm. Sản phẩm phải có dấu kiểm soát giết mổ, đảm bảo nguồn gốc, vệ sinh và phải được bày bán trên bàn, kệ, không được đặt dưới đất. Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện gắt gao việc kiểm tra mỗi hộ tiểu thương về lượng heo tồn, bán trong bao lâu thì hết, tránh tình trạng một số hộ lợi dụng việc “giải cứu” heo để mua heo của người khác bán”.

Bình Nguyên - Hải Quân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang