• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Thạch phát triển nuôi nhím

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 20/06/2017
Ngày cập nhật: 21/6/2017

Không chọn những vật nuôi truyền thống, ông Lâm Văn Thạch ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) mạnh dạn chọn nhím để phát triển kinh tế hộ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về giá nhưng ông Thạch vẫn chủ động nhân đàn theo kế hoạch của riêng mình.

Ông Thạch trao đổi kỹ thuật nuôi nhím - Ảnh: Minh Duyên

Khi việc nuôi nhím ở huyện Sông Hinh còn khá lạ lẫm với nhiều người thì năm 2007 ông Lâm Văn Thạch đã bắt tay nuôi. Ông Thạch cho biết: Khi có ít người nuôi, tôi sẽ không có điều kiện học hỏi thực tế nhưng vì nhím là con vật dễ nuôi, nhu cầu thị trường lại cao nên tôi vẫn quyết định chọn vật nuôi này. Tôi cất công tìm tới một số hộ đã nuôi trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời trau dồi kỹ thuật nuôi từ sách báo và các trang web của Sở NN-PTNT. Khi đã cơ bản nắm được kỹ thuật, tôi bắt đầu làm chuồng trại và mua con giống. Ban đầu, gia đình tôi bỏ ra khoảng 15 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 2 cặp nhím giống về nuôi, trong đó Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh hỗ trợ tiền mua 1 cặp giống. Sau 6 tháng chăm sóc, nhím có biểu hiện thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh nên tôi yên tâm nuôi và có kế hoạch lâu dài với vật nuôi này.

Bà Nguyễn Thị Tý, vợ ông Lâm Văn Thạch, bày tỏ: Lúc đầu, khi nghe chồng bàn về việc nuôi nhím, tôi lo lắm. Từ trước tới giờ, tôi chỉ quen với con gà, con heo nào biết con nhím nuôi thế nào, nó ăn cái gì và điều kiện sống ra sao. Thời điểm đó, nhím giống rất đắt, tới 14 triệu đồng một cặp giống. Đây là số tiền không nhỏ với nhà nông chúng tôi. Tuy nhiên, thấy chồng quyết tâm nên tôi cũng theo ủng hộ ông ấy. Khi bắt tay vào nuôi, tôi thấy con nhím dễ chăm sóc, chỉ cần chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, không để nước ứ đọng thì nhím ít mắc bệnh. Nhím cũng ăn những loại thức ăn đơn giản, sẵn có quanh vườn nhà như mía, sắn, bắp, khoai lang… nên không tốn nhiều chi phí thức ăn. Sau một năm, cặp nhím bố mẹ có thể đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 2-3 nhím con. Từ bán nhím con, gia đình đã thu lãi được 50-60 triệu đồng/năm (thời điểm nhím có giá 10-15 triệu đồng/cặp, nặng từ 2-3kg/con).

Khi giá nhím xuống thấp còn 200.000-250.000 đồng/kg, nhu cầu về nhím giống hạn chế và người nuôi cũng ít đi khiến thu nhập của gia đình ông Thạch giảm từ 10-20 triệu đồng/năm; nhưng không vì thế mà ông bỏ nuôi, ngược lại ông vẫn duy trì và nhân đàn. Ông Thạch cho biết thêm: Chăn nuôi gặp giá cả lên xuống là chuyện bình thường, nếu vì thế mà bỏ thì mất chi phí đầu tư ban đầu và công sức bỏ ra. Hiện nay, mặc dù giá nhím thấp nhưng thu nhập như vậy so với nuôi gà vẫn có giá trị kinh tế cao hơn. Tôi cũng nhận định nhím là vật nuôi mới, nhu cầu tiêu thụ của thị trường còn cao nên còn khả năng phát triển. Riêng lúc này, nhím có giá thấp, tiêu thụ hạn chế là cơ hội để mình nhân đàn mở rộng quy mô chăn nuôi. Vì nuôi nhím rất nhàn, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn, ít tốn công chăm sóc và không bị dịch bệnh như các con vật nuôi khác… nên chi phí thấp, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Kế hoạch của tôi sắp tới là nhân đàn 20 cặp bố mẹ để ổn định nguồn nhím giống cũng như nhím thịt cung cấp cho thị trường. Hiện gia đình tôi có 30 con nhím.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, hiện toàn huyện có 7 hộ nuôi nhím với quy mô nhỏ, trong đó hộ ông Thạch là hộ đầu tiên thí điểm mô hình này. Nhím phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương và đây cũng là con vật dễ nuôi, tốn ít chi phí nên UBND huyện khuyến khích bà con nhân nuôi, phát triển song song với các vật nuôi truyền thống như gà, vịt, heo… nhằm đảm bảo nguồn cung đa dạng cho thị trường. Hiện hộ ông Thạch là hộ nhân nuôi nhím tốt nhất trên địa bàn. “Điều chúng tôi ghi nhận ở cá nhân ông Thạch chính là sự kiên trì trong sản xuất chăn nuôi, không chạy theo phong trào theo kiểu thấy được giá thì nuôi không thì bỏ. Ông Thạch đang có kế hoạch phát triển đàn nhím cụ thể để sẵn sàng chờ cơ hội. Thời gian tới, nếu giá nhím lên cao, gia đình ông sẽ thu được nguồn lợi lớn”, ông Sự nói.

Hải Phong

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang