• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đại lý cám "cụt" vốn do thịt lợn rớt giá

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 23/06/2017
Ngày cập nhật: 24/6/2017

Thời gian này, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của gia đình bà Lâm Kim Oanh ở xóm Quang trung, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) luôn vắng người mua.

Thời gian qua, giá lợn hơi bị tụt dốc xuống mức thấp kỷ lục khiến người chăn nuôi điêu đứng. Kéo theo đó, các cửa hàng, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng như "ngồi trên đống lửa" khi không bán được hàng, không thu hồi được vốn.

Khuôn mặt rầu rĩ, bà Lâm Kim Oanh, xóm Quang Trung, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chia sẻ: Gia đình tôi mở đại lý thức ăn chăn nuôi từ 10 năm nay, song chưa từng thấy tình hình kinh doanh lại lâm vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Nếu như thời điểm giá bán lợn ổn định thì gia đình tôi bán được khoảng 70-80 tấn cám/tháng. Giờ đây, chúng tôi chỉ bán được khoảng 15 tấn cám/tháng. Tính đến thời điểm này, đại lý cũng bị các hộ chăn nuôi nợ khoảng 2 tỷ đồng do không có khả năng thanh toán khi chăn nuôi lợn bị thua lỗ nặng. Tình trạng này kéo dài, chúng tôi cũng không còn vốn để xoay vòng...

Không riêng đại lý thức ăn chăn nuôi cám, các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Phạm Văn Đạt, xóm Phố Chợ, xã Tân Khánh (Phú Bình), đại lý kinh doanh thuốc thú y, vắcxin, hóa chất, chế phẩm sinh học chia sẻ: Vào thời điểm giá bán lợn ổn định, doanh số bán hàng của gia đình vào khoảng trên 50 triệu đồng/tháng. Hiện nay, con số đó đã tụt xuống dưới 20 triệu đồng, trong đó một nửa bị các hộ chăn nuôi nợ lại chưa biết bao giờ mới thanh toán.

Khó khăn của gia đình bà Oanh, ông Đạt cũng là khó khăn chung của hơn 900 đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đại lý đều bán cám cho các hộ chăn nuôi theo phương thức trả chậm. Theo đó, các hộ chăn nuôi bán đàn lợn thì mới thanh toán tiền cám cho đại lý. Tuy nhiên, giá bán lợn giảm sâu, kéo dài thời gian vừa qua đã khiến các hộ chăn nuôi bị thua lỗ, không có khả năng tái đàn và thanh toán tiền cám cho đại lý. Bởi vậy, các đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thu y cũng lâm vào cảnh "ngồi trên đống lửa" khi tiền vay tiền ngân hàng để mua cám từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã gần đến hạn phải trả.

Nhiều hộ chăn nuôi đã giảm số lượng đàn, chuyển sang chăn nuôi cầm chừng bằng các loại thức ăn khác. Kéo theo đó, số lượng thức ăn, thuốc thú y các đại lý, cửa hàng nhập - bán bị tụt giảm mạnh. Song, khó khăn lớn hơn của các đại lý, cửa hàng là không những không thu được nợ cũ mà còn phải tiếp tục bán chịu cho các hộ chăn nuôi. Tình trạng này kéo dài trong thời gian qua đã khiến nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y bị "kiệt sức".

Ông Dương Đình Thảo, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) buồn rầu: Tình trạng giá lợn lên xuống bấp bênh đã trở nên quá quen đối với người chăn nuôi lẫn kinh doanh thức ăn gia súc. Thế nhưng, giá bán lợn hơi xuống mức quá thấp, kéo dài trong như hiện nay là điều chúng tôi chưa bao giờ lường tới. Các hộ chăn nuôi liên tiếp thua lỗ. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã ngừng tái đàn, thậm chí có hộ đã nợ ngân hàng hàng mấy trăm triệu đồng, không còn khả năng hoàn trả. Hiện, số tiền các hộ chăn nuôi nợ tiền cám của chúng tôi đã lên tới gần 3 tỷ đồng, không biết đến bao giờ mới hoàn trả được. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục cho các hộ chăn nuôi nợ tiền cám. Bởi, nếu không cho nợ thì đại lý sẽ mất đi một lượng khách hàng lớn. Và chỉ có cho nợ thì các hộ mới có khả năng tái đàn, khi đó họ mới có cơ hội hoàn trả tiền cám. Song, tình trạng này kéo dài, chắc chúng tôi cũng phải ngừng kinh doanh do không còn vốn xoay vòng.

Có thể nói, tình trạng giá lợn giảm sâu trong thời gian dài vừa qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh ta bị thua lỗ, thậm chí là phá sản, không còn nguồn vốn tái đàn. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm ý kiến của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi. Các đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng đã có nhiều cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi bằng cách tiếp tục cung ứng thức ăn, thuốc thú y cho các hộ chăn nuôi khi tái đàn. Song, nếu tình trạng giá lợn tụt giảm tiếp tục kéo dài thì e rằng các đại lý, cửa hàng này cũng không cầm cự được lâu vì cụt vốn...

Đức Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang