• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Agribank kiến nghị gỡ “nút thắt” tín dụng đối với chăn nuôi lợn

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 23/06/2017
Ngày cập nhật: 26/6/2017

Để có đủ nguồn vốn duy trì và phát triển ngành chăn nuôi lợn trong thời điểm giá thịt lợn giảm mạnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã kịp thời áp dụng các giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho bà con nông dân duy trì chăn nuôi, chuyển đổi sản xuất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng mức dư nợ cho vay toàn ngành chăn nuôi lợn đến tháng 4/2017 khoảng gần 30.000 tỷ đồng, trong đó khách hàng là hộ gia đình và cá nhân chiếm 90%, không có chỗ dựa vững chắc về tài chính và dễ bị phá sản khi thị trường xảy ra biến động mạnh.

Chính vì vậy, ngay khi xảy ra tình trạng giá thịt lợn xuống thấp, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành chăn nuôi lợn của cả nước, ngày 28/4, NHNN đã có Công văn 3091/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Ngay sau chỉ đạo của NHNN, Agribank đã nhanh chóng yêu cầu các chi nhánh rà soát, thực hiện các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, tạo điều kiện cho bà con duy trì chăn nuôi, chuyển đổi sản xuất để có cơ hội phục hồi kinh tế cho gia đình và trả nợ ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Agribank là ngân hàng thương mại cho vay nhiều nhất vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với tổng dư nợ khoảng 27.140 tỷ đồng (chiếm 92,4% tổng dư nợ cho vay chăn nuôi lợn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng). Trước năm 2017, để tạo nguồn vốn ổn định cho hộ chăn nuôi lợn, Agribank đã gia hạn khoảng trên 350 tỷ đồng và từ đầu năm 2017 đến nay, Agribank lại tiếp tục gia hạn thêm hơn 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với khách hàng, Agribank đã gặp khá nhiều vướng mắc liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ.

Cụ thể, đối với các khoản nợ bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nếu Agribank thực hiện biện pháp hỗ trợ miễn, giảm lãi thì khoản vay bị chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) theo quy định tại Điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Đồng thời, những khoản vay mới đối với khách hàng bị thiệt hại nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh mới có tính khả thi có khả năng trả nợ, thì sau khi giải ngân cũng bị phân loại vào cùng nhóm nợ có mức rủi ro cao nhất.

Như thế, việc tiếp tục gia hạn nợ vô hình trung lại trở thành khó khăn cho việc mở rộng tín dụng, khiến cả người chăn nuôi và ngân hàng cùng gặp khó. Lúc đó, ngay cả khi khách hàng được Agribank gia hạn nợ thì việc tiếp cận vốn mới cũng rất khó khăn, vì hồ sơ vay mới sẽ bị đưa vào nhóm có mức rủi ro cao nhất trong việc thu nợ. Agribank vừa đối mặt với rủi ro tỉ lệ nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) lên cao, vừa khó khăn hơn khi gia tăng cho vay vốn đối với các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Nhằm tháo gỡ nút thắt này, Agribank kiến nghị NHNN cho phép ngân hàng này khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp đã cơ cấu một lần), được giữ nguyên nhóm nợ, đối với ngành chăn nuôi lợn nói riêng và đối tượng cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nói chung.

Ngoài ra, để bảo đảm ngành chăn nuôi lợn hạn chế tối đa những rủi ro biến động về thị trường tiêu thụ dẫn đến phải “giải cứu” như thời gian vừa qua, Agribank cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành công thương cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm ổn định; các địa phương rà soát lại quy hoạch chăn nuôi lợn bảo đảm ổn định sản lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát, trong trường hợp có rủi ro do nguyên nhân khách quan cần có chính sách trợ giá cho người chăn nuôi; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đứng đầu chăn nuôi phải là các doanh nghiệp, sau đó mới đến các chủ trang trại hoặc thông qua các hợp tác xã đến các hộ chăn nuôi, tạo thành một chuỗi liên kết.

Làm như vậy, không chỉ kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khi truy xuất, mà còn chia sẻ được lợi nhuận và cân đối được cung-cầu, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người chăn nuôi dựa vào đó đưa ra quyết định kế hoạch sản xuất của mình.

Song song với đó, Nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tổ chức các điểm giết mổ lợn thịt đúng quy trình vệ sinh, tổ chức các điểm bán thịt lợn sạch cho người dân, tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường...

Thực hiện tốt những yêu cầu trên, khi đó, những hỗ trợ của các tổ chức tín dụng đối với người chăn nuôi mới có thực sự có hiệu quả thực sự.

Minh Thi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang