• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cảnh giác với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 29/06/2017
Ngày cập nhật: 30/6/2017

Trước diễn biến thời tiết thất thường, hiện người chăn nuôi đã cảnh giác hơn với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nhất là ở những khu vực vừa khống chế thành công dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo thời điểm này người chăn nuôi cần lưu ý chăm sóc nuôi dưỡng tốt và cảnh giác cao với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Trong những tháng đầu năm 2017, Hậu Giang đã lần lượt xuất hiện 3 ổ dịch cúm A H5N1. Gần đây nhất là ổ dịch xuất hiện tại địa bàn ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành hơn 1 tháng trước, hiện đã khống chế thành công. Ngành chuyên môn nhận định dịch bệnh đã không còn xuất hiện theo mùa như trước, mà có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu người chăn nuôi lơ là trong chăm sóc. Ở những khu vực tiếp giáp với xã Phú Tân, người dân địa phương càng cảnh giác cao với dịch bệnh nguy hiểm này.

Mới tập tành chăn nuôi gà khoảng 4 tháng nay, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và phòng bệnh, nên anh Bùi Văn Sang, ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, rất cần đến sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành thú y địa phương. Nhất là sau khi nghe thông tin trên địa bàn xã Phú Tân giáp ranh có ổ dịch cúm A H5N1 xuất hiện tháng trước, anh Sang càng cảnh giác cao với dịch bệnh nguy hiểm này. “Mỗi ngày, tôi quan sát kỹ biểu hiện bên ngoài của chúng, hễ có gì bất thường thì báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý. Với tổng đàn khoảng 1.000 con, ban đầu tôi thiết kế chuồng thông thoáng, đến khi nuôi thì xử lý tiêu độc khử trùng thường xuyên mỗi tuần 1 lần. Tôi còn nhờ mấy chú thú y xã ghi cho cái lịch tiêm phòng bệnh để nhớ mà tiêm đúng thời điểm để được miễn dịch cao nhất cho đàn gà”, anh Sang trao đổi trong lúc phun thuốc khử trùng quanh chuồng nuôi.

Còn với anh Nguyễn Văn Triều, ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành thì mùa mưa này anh phải kết hợp đầy đủ tất cả các biện pháp từ tiêu độc khử trùng đến tiêm phòng, chăm sóc nuôi dưỡng để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất. “Theo quy trình, mỗi đợt nuôi tôi xử lý khử trùng chuồng trại xong thì rải vôi, sau đó nửa tháng mới thả gà vô nuôi. Rồi lần lượt tôi nhỏ mắt, nhỏ mũi cho gà; đến 21 ngày thì tiêm ngừa H5N1, 35 ngày trở lên tôi tiêm ngừa bệnh dịch tả... Hàng ngày, tôi còn cho uống C và các loại thuốc tăng đề kháng khác cho vật nuôi”, anh Triều chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, không riêng gia cầm, mà thời điểm này người chăn nuôi gia súc cũng phải cẩn trọng phòng bệnh, nhất là lở mồm long móng. Biểu hiện chính của bệnh này là heo sốt cao trên 400C, từ 2-5 ngày đầu và có triệu chứng kén ăn hoặc bỏ ăn, đi đứng khó. Trên miệng heo chảy nhiều nước bọt, có mụn nước ở nướu, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú. Với bệnh tai xanh, biểu hiện cũng tương tự. Ngoài biểu hiện sốt cao kéo dài, tai tím tái, phần da mỏng chuyển sang màu hồng. Tỷ lệ bệnh và chết lên đến 100%. Nếu heo nái mắc bệnh ở giai đoạn cuối thường bị sảy thai, đẻ non, heo con chết ngay sau khi sinh. Heo con mắc bệnh sẽ ốm yếu, khó thở, mắt có ghèn màu nâu, run rẩy, tiêu chảy nhiều. Heo đực giống nếu mắc bệnh này sẽ có biểu hiện đờ đẫn hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, giảm hưng phấn hoặc mất tính dục, lượng tinh dịch ít…

Bà Lâm Lan Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo: Người chăn nuôi cần áp dụng tất cả các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi mua con giống, bà con cần chọn kỹ về nguồn gốc, áp dụng các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ. Riêng bệnh cúm gia cầm, ngày trước thường xảy ra vào mùa lạnh nhưng hiện nay có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào trong năm nếu người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng bệnh. Bên cạnh khuyến cáo người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y tiếp tục giám sát chặt tình hình chăn nuôi, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh”.

Tháng qua, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên một số bệnh thông thường như: tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli xuất hiện trên heo và dịch tả trên vịt, làm chết 9 con heo và 30 con vịt. Hiện bệnh đã khống chế thành công và không lây lan thành dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1,9 triệu con gia cầm đã được tiêm phòng và còn trong thời hạn miễn dịch. Đối với các bệnh trên gia súc, gia cầm khác như dịch tả heo tiêm phòng được trên 61.805 con, lở mồm long móng tiêm được trên 6.300 con. Bệnh dịch tả vịt tiêm được trên 575.000 con, Newcastle tiêm được 367.000 con gia cầm.

Nguyễn Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang