• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 29/06/2017
Ngày cập nhật: 30/6/2017

Cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi cách điều trị vết loét chân cho bò bệnh LMLM - Ảnh: Nguyễn Chương

Sau khi phát hiện bò bị lở mồm long móng (LMLM) tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bao vây khống chế và dập dịch. Hiện ngoài huyện Sông Hinh, các địa phương khác cũng đang tăng cường phòng chống, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.

Sông Hinh nỗ lực dập dịch

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, dịch LMLM được phát hiện đầu tiên vào ngày 12/6 trên đàn bò của 6 hộ dân ở buôn Bưng A và buôn Bai, xã Ea Lâm. Ông Ma Hiên, một trong những hộ dân có bò bệnh LMLM được phát hiện sớm nhất, cho biết: Ngày 12/6, sau khi đưa đàn bò đi ăn về, tôi phát hiện 1 con trong đàn đi nhắc, kiểm tra thì thấy móng chân bò bị loét, miệng chảy nước dãi. Nghi ngờ bò bệnh LMLM nên tôi báo ngay cho xã.

Nhận được tin báo của người dân, UBND xã Ea Lâm đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm tra đàn bò của xã. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: Có tin báo, trạm lập tức đi kiểm tra đàn bò của xã Ea Lâm; qua đó phát hiện 9 con bò của 6 hộ dân ở buôn Bưng A và buôn Bai có các triệu chứng chảy nước dãi, lở loét ở miệng và móng chân. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh LMLM nên trạm đã xin ý kiến của chi cục và tiến hành lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả cho thấy bò bị bệnh LMLM với chủng vi rút gây bệnh typ A.

Sau khi những con bò bị bệnh LMLM đầu tiên được phát hiện, đến nay, cả xã Ea Lâm đã có 129 con bò của 88 hộ nuôi thuộc 3 buôn Bưng A, Bưng B, Bai bị LMLM. Để khống chế không cho dịch bệnh nguy hiểm này lây lan ra diện rộng, ngành Thú y đã tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch, sau đó tiêm trực tiếp ở vùng dịch. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tham mưu UBND tỉnh đẩy thời gian tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I/2017 trên địa bàn huyện Sông Hinh lên sớm hơn so với kế hoạch (dự kiến triển khai vào khoảng tháng 8) để tăng kháng thể cho đàn bò. Trong đó tập trung tiêm phòng trước cho các xã thuộc vùng có nguy cơ cao gồm Ea Ly, Ea Bá và Ea Bar. Đến nay, toàn huyện Sông Hinh đã tiêm phòng vắc xin LMLM được 2.300/19.300 (tổng đàn) con trâu, bò. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh còn cấp về cho xã Ea Lâm 150 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc sát trùng các ổ dịch và các khu vực lân cận.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh Hoàng Kim Chung cho hay: Nhận định tình hình dịch có thể lây lan ra diện rộng, mới đây trạm đã tham mưu UBND huyện Sông Hinh công bố dịch LMLM trên địa bàn từ ngày 21/6. Cùng với đó, địa phương đã lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời, một chốt trên trục đường liên xã từ Ea Lâm đi Ea Bá, một chốt từ Ea Lâm đi huyện Krông Năng (tỉnh Gia Lai) và một chốt từ Ea Lâm đi Ea Bar. Các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ, có nhiệm vụ kiểm soát việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra vào vùng dịch; ngăn không cho người dân đưa gia súc ra ngoài; thực hiện tiêu độc sát trùng tất cả người và phương tiện ra vào vùng dịch…

Ngoài ra, để hạn chế bệnh lây lan trong vùng dịch, UBND xã Ea Lâm còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp điều trị cho gia súc bệnh. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: Xã đang tích cực vận động người dân không chăn thả gia súc mắc bệnh lên rẫy, đồng cỏ; thực hiện nuôi nhốt cách ly và có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp đối với gia súc bệnh. Nhờ người dân thực hiện tốt các biện pháp này nên chưa có con gia súc nào bị chết do bệnh và đã có 40 con khỏe mạnh trở lại.

Tăng cường phòng dịch

Hiện các địa phương khác trong tỉnh cũng thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch LMLM lây nhiễm trên đàn gia súc. Tại Sơn Hòa, huyện giáp ranh với Sông Hinh, những ngày qua, địa phương này cũng đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa dịch. Ông Phạm Quý Minh, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Hòa, cho biết: Tổng đàn bò của địa phương có khoảng 19.700 con, nuôi nhiều nhất tại các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai… Trong đó, xã Krông Pa giáp ranh với xã Ea Lâm - nơi đang có dịch LMLM. Vì vậy, trạm phối hợp cùng xã này tăng cường giám sát việc vận chuyển gia súc trên địa bàn; vận động bà con không chăn thả gia súc ở các đồng cỏ liền kề với xã Ea Lâm; yêu cầu người chăn nuôi tăng cường bổ sung thức ăn thô xanh và các loại vitamin giúp gia súc tăng sức đề kháng. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền người dân khi phát hiện gia súc có các dấu hiệu bệnh LMLM cần nhanh chóng báo cho ngành chức năng gần nhất.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân, là huyện từng phát dịch LMLM vào năm 2015 thì khi thấy dịch LMLM bùng phát, địa phương đã nhanh chóng kiện toàn lại hệ thống chân rết thú y cơ sở. Đặc biệt, trạm đã yêu cầu thú y các xã Xuân Quang 1, Đa Lộc, Xuân Sơn Bắc là những vùng từng xảy ra dịch LMLM tăng cường kiểm soát, vận động bà con phun tiêu độc môi trường tại các ổ dịch cũ để tiêu diệt bớt mầm bệnh.

Tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, công tác chống dịch có những thuận lợi đáng kể. Ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, nói: Người dân trên địa bàn huyện đang nuôi khoảng 3.200 con bò, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM đạt hơn 80% (đợt II/2016 vừa kết thúc vào tháng 3/2017) vì vậy kháng thể của vật nuôi đối với vi rút vẫn còn. Hiện chúng tôi tập trung tuyên truyền người dân thực hiện “3 không” trong chăn nuôi gồm không giấu dịch, không mua bán vật nuôi bị bệnh, không vứt xác vật nuôi ra môi trường.

Sau khi phát hiện dịch LMLM, ngành Thú y đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp. Hiện dịch bệnh đang được kiểm soát chặt, các ổ dịch chỉ xảy ra nhỏ lẻ, lây lan chậm, chủ yếu ở bê con có kháng thể yếu. Dù vậy, để công tác dập dịch đạt hiệu quả, người chăn nuôi phải tuân thủ các quy định đối với vùng có dịch LMLM; đồng thời tăng cường bổ sung thức ăn xanh cho vật nuôi, thực hiện dọn vệ sinh chuồng nuôi và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. (Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)

Thủy Tiên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang