Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 11/07/2017
Ngày cập nhật:
12/7/2017
Để tránh bị tiểu thương ép giá, sản phẩm làm ra đảm bảo được tiêu thụ với giá cao, nhiều gia đình nuôi ong lấy sữa tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết với nhau thành tổ hợp tác, sản xuất sữa ong chúa cung cấp ổn định cho doanh nghiệp.
Người chăn nuôi ong lấy sữa lập tổ hợp tác cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp
Lừa ong... lấy sữa
Với lợi thế đặc biệt về điều kiện tự nhiên, nghề nuôi ong mật để lấy sữa ở Lâm Đồng đang phát triển mạnh, tập trung nhiều nhất là huyện Đức Trọng, Lâm Hà, hiện nay đang mở rộng ra Di Linh và TP Bảo Lộc.
Để chiết xuất được sữa ong chúa, người nuôi phải trải qua nhiều quy trình tương đối kỳ công. Trước tiên, họ phải làm rất nhiều tổ giả, chính những tổ giả này sẽ đánh lừa đàn ong để lấy sữa. Trước khi xếp đầy vào những thùng ong, người chăn nuôi sẽ cấy ấu trùng ong chúa vào từng tổ giả, đàn ong nhầm tưởng ong chúa sinh sản sẽ tập trung tiết sữa vào các tổ giả nuôi ấu trùng ong chúa. Sau 3 ngày, những con ong thợ cần mẫn đã tiết đầy sữa vào các tổ để nuôi ấu trùng ong chúa cũng là lúc người chăn nuôi được khai thác sữa.
Anh Trần Văn Phùng, một hộ chăn nuôi ong lấy sữa ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết, cách đây ít năm, thấy một số gia đình trong xã chăn nuôi ong lấy sữa cho thu nhập cao, gia đình anh đã đầu tư 300 triệu đồng mua hơn 100 thùng ong giống về lập trang trại nuôi ong lấy sữa. Theo anh Phùng, kỹ thuật chăn nuôi ong lấy sữa không phức tạp, so với nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nuôi ong lấy sữa ít vất vả hơn. Đàn ong cho sữa quanh năm. Theo chị Trần Thị Thu Vân, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, thực tế chi phí đầu tư để chăn nuôi ong lấy sữa không cao, trung bình mỗi bọng ong giống có giá khoảng 2,5 triệu đồng. Lâm Đồng với điều kiện tự nhiên ưu đãi nên nguồn thức ăn của ong ngoài tự nhiên gần như quanh năm nên tốn rất ít chi phí mua thức ăn cho ong. Nuôi ong lấy sữa cũng ít khi bị dịch bệnh, người chăn nuôi không phải sử dụng các loại hóa chất (như thuốc trừ sâu, diệt cỏ…) giống như nghề trồng trọt nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi bọng ong chỉ sau vài tháng cho lấy sữa là có thể thu hồi được vốn. Đó là chưa kể tiền thu về từ việc nhân giống đàn ong để bán.
Tuy nhiên, ít năm gần đây, chỉ tính riêng huyện Lâm Hà và Đức Trọng, theo thống kê sơ bộ đã có hàng trăm hộ nuôi ong lấy sữa, khi nguồn cung dồi dào thì sản phẩm lại bị thương lái ép giá, đó là chưa kể sữa ong chúa có xuất xứ từ Trung Quốc cũng trà trộn vào với mác “sữa ong chúa Đà Lạt” khiến cho sản phẩm này có thời điểm rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Thế Toàn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cho biết, vào thời điểm giá sữa ong chúa xuống thấp, có khi chỉ 400.000 đồng/lít gia đình ông đã mua tới 2 tủ lạnh để cất trữ sữa ong chờ cho giá sữa ong lên hoặc thương lái tới mua. “Khi sữa ong xuống thấp, chúng tôi phải cầu cứu thương lái mua với giá rẻ. Dù giá rẻ những vẫn phải bán tháo vì để lâu sợ sữa ong sẽ bị giảm chất lượng!..” - ông Toàn chia sẻ.
Liên kết với doanh nghiệp
Từ năm 2014, hàng chục gia đình nuôi ong lấy sữa tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng đã liên kết lại với nhau thành tổ hợp tác sản xuất. Bên cạnh việc giữ ổn định giá cả sản phẩm, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao chất lượng sữa ong chúa, tổ hợp tác này còn ký kết cung cấp sản phẩm sữa ong chúa lâu dài cho Công ty TNHH Lộc Phát Đà Lạt với giá cao, ổn định.
Điều kiện để được vào tổ hợp tác phải là những gia đình có kỹ thuật chăn nuôi ong tốt, sữa đạt chất lượng do đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm đặt ra. Trước khi vào tổ hợp tác, sữa ong của gia đình xin vào sẽ phải đem mẫu sản phẩm đến Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiểm tra chất lượng.
Anh Trần Văn Phùng cho biết: “Từ ngày chúng tôi thành lập tổ hợp tác, liên kết cung cấp ổn định sản phẩm cho Công ty TNHH Lộc Phát Đà Lạt tuy kỹ thuật chăn nuôi ong có phần khắt khe hơn nhưng đổi lại, sản phẩm sữa ong của tổ hợp tác lại bán được với giá cao gần gấp đôi so với trước đây. Bây giờ, các hộ trong tổ hợp tác không còn phải lo lắng đầu ra. Thu nhập cũng cao hơn nhiều so với trồng cà phê!..”. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đà Lạt cho biết, do công ty chuyên cung cấp những sản phẩm làm đẹp và sức khỏe từ sữa ong chúa nên rất cần sữa ong nguyên liệu có chất lượng cao. Muốn có được sữa ong chúa tốt, doanh nghiệp này đặt ra những yêu cầu về kỹ thuật khắt khe đối với người chăn nuôi hợp tác với công ty. Ngược lại, công ty cam kết thu mua sữa ong chúa cao hơn với giá trên thị trường, đảm bảo người nuôi ong luôn có lãi.
Nói về sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, nghề nuôi ong lấy sữa ở Lâm Đồng phát triển mạnh và có Công ty TNHH Lộc Phát Đà Lạt hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân là hướng đi tích cực, tạo đà cho việc phát triển bền vững, lâu dài của nghề nuôi ong. Theo ông Sơn, đây là mô hình tốt, cần phải nhân rộng, không chỉ trong nghề nuôi ong lấy sữa mà cần phải mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo sản phẩm người nông dân làm ra không bị tiểu thương ép giá, hoặc ế ẩm dẫn đến phải đổ bỏ như nhiều sản phẩm trong những năm qua.
Văn Báu - Khắc Lịch
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.