Nguồn tin: Báo An Giang, 17/01/2017
Ngày cập nhật:
18/1/2017
Gây nuôi động vật hoang dã là một hành vi rất nguy hiểm, nhưng thả chúng về tự nhiên một cách vô tội vạ lại càng nguy hiểm hơn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xuất hiện một vài vụ việc liên quan, nên cần siết chặt quản lý để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ngày 29-9-2016, một hộ gia đình ngụ phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) đã tự nguyện giao cặp gấu ngựa (Selenarctos thibertanus) cho Chi cục Kiểm lâm An Giang. Trước đó, hộ gia đình đã khai báo và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho phép gây nuôi. Cặp gấu được họ nuôi dưỡng 10 năm nay, mỗi con nặng từ 150-170kg, cao khoảng 2 mét. Họ không hề tiến hành lấy mật hay trao đổi, mua bán gấu. Hiện nay, họ không có nhu cầu nuôi nên tự nguyện giao. Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm tỉnh bàn giao cặp gấu về khu nuôi gấu bán hoang dã Hòn Me (thuộc Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang) tiếp tục chăm sóc, quản lý. Đây là 2 cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chi cục cũng bàn giao thêm 1 con khỉ đuôi heo nặng khoảng 5,6kg đang được nuôi dưỡng tại Khu du lịch đồi Tức Dụp (Tri Tôn). Những loài động vật hoang dã khác đang được nuôi dưỡng tại các điểm, khu du lịch, lực lượng Kiểm lâm vẫn kiểm tra, quản lý thường xuyên, đảm bảo an toàn cho cộng đồng chung quanh. Do vậy, những ai tự ý gây nuôi động vật hoang dã không khai báo, tức là đã vi phạm pháp luật.
Tiếp nhận cá thể gấu được nuôi ở TP. Long Xuyên
Một vụ việc gây chú ý khác là vào ngày 10-1 vừa qua, một nhóm người đã đến khu vực ấp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) để thả số lượng lớn rắn vào rừng. Anh Nguyễn Hữu P. (người dân địa phương) kể lại: “Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi ngang khu vực trên, phát hiện một nhóm người lạ mặt đang di chuyển, mang vác nhiều giỏ xách. Nhìn bộ dạng họ không phải người dân địa phương hay nhân công làm thuê. Hỏi thăm thì họ trả lời bâng quơ, không thành thật. Thấy khả nghi, tôi phối hợp một người quen, cùng tiến hành theo dõi họ. Khi xác định trong các giỏ xách chỉ toàn là rắn, chúng tôi vừa ra mặt giữ chân họ lại, vừa báo cho Hạt Kiểm lâm Tri Tôn. Nếu không phát hiện kịp thời, chắc chắn số rắn trên đã được thả vào rừng, rất nguy hiểm”. Qua làm việc, cơ quan chức năng xác định danh tính của nhóm người lạ: Trần Dũ Tài (sinh năm 1966, nguyên quán Trung Quốc, ngụ TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Việt Ái (sinh năm 1990, ngụ tỉnh Hậu Giang), Võ Minh Tân (sinh năm 1994, ngụ TP. Hồ Chí Minh). Tài cho biết, họ mang rắn lên núi nhằm mục đích “phóng sinh”, chứ không hề có ý đồ xấu. Lực lượng tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính; tịch thu, chuyển giao rắn cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (Kiên Giang).
Theo ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), 2 năm trước, một người dân đem trăn vào rừng tràm Trà Sư, nhưng không tự ý thả ngay, mà có trao đổi với Trạm Kiểm lâm Trà Sư. Lực lượng chức năng đã giữ lại, không cho phép thả. “Nếu người dân muốn thả hoặc phóng sinh động vật hoang dã, thì phải được sự chấp thuận, đồng ý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng; phải nhận biết được loài vật đó quý hiếm, hung dữ, nguy hại đến cộng đồng, điều kiện sinh thái thích hợp... hay không. Khi tiếp nhận động vật từ người dân, dù đó là loài rắn, trăn bình thường, nhưng đơn vị vẫn không thả chúng về rừng, mà chuyển giao cho các trung tâm, trại rắn đủ điều kiện nuôi dưỡng. Hoặc có thể bán đấu giá, thu nộp cho ngân sách Nhà nước theo quy định. Sắp tới, đơn vị sẽ đề nghị ngành Kiểm lâm siết chặt quản lý việc nuôi, thả, phóng sinh động vật hoang dã. Người dân nghĩ rằng, mình đang “làm phước”, nhưng thật ra làm nguy hại đến cộng đồng mà không hay. Hoặc không loại trừ trường hợp kẻ xấu cố tình gây hại. Việc họ tự ý thả động vật hoang dã sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân và môi trường sống tại khu vực. Nếu khu vực chưa có loài vật đó, khi thả vào sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, đe dọa loài khác và tính mạng con người. Không phải cứ tự ý phóng sinh vào rừng, vào tự nhiên là tốt. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, người vi phạm còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Do vậy, nếu có ý định thả động vật hoang dã, người dân trực tiếp liên hệ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương sẽ được hướng dẫn, tổ chức đưa động vật ấy về trung tâm cứu hộ, nuôi dưỡng phù hợp. Đó cũng là một cách “phóng sinh”, mang lại phước đức”.
Để hạn chế tối đa tình trạng trên, ngoài việc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác đối với vấn đề này. Vì đang sinh sống tại khu vực, quá trình nắm bắt thông tin của người dân địa phương sẽ nhanh nhạy, sát sườn hơn. Khi thấy có động thái khác thường, người dân cần báo về địa phương, Kiểm lâm để phối hợp xử lý, giải quyết, góp phần bảo vệ môi trường sống của bản thân và cộng đồng.
KHÁNH HƯNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.