Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 11/07/2017
Ngày cập nhật:
13/7/2017
Giảm đàn, nuôi cầm cự là tình cảnh chung của người chăn nuôi heo ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khi giá thức ăn giảm nhỏ giọt, giá heo hơi vẫn “dậm châm tại chỗ”!
Cầm chừng
Khảo sát một vòng quanh các gia trại (GT) chăn nuôi heo của các hộ cá nhân ở “thủ phủ” chăn nuôi Phong Sơn (Phong Điền), mới thấy tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của hàng chục hộ nuôi heo tại đây.
Đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây dựng GT 2.000m2 theo quy mô chăn nuôi công nghiệp khép kín trên vùng gò đồi Hiền An, anh Tạ Quang Thiên đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Từng “sở hữu” hơn 200 heo thịt, 60 heo nái và tái đàn xuất bán liên tục tại GT, nhưng giờ đây, số heo trong GT anh Thiên giảm chỉ còn gần 100 con heo thịt và 30 con heo nái.
Theo tính toán của anh Thiên, khi nào giá heo hơi nhích lên 32 nghìn đồng/kg thì người nuôi mới hoàn vốn. Một con heo xuất chuồng chừng 80kg, với giá dao động từ 18-25 nghìn đồng/kg thịt hơi như hiện nay, bình quân mỗi con heo xuất chuồng, người nuôi “cầm chắc” thua lỗ 500-700 nghìn đồng/con. Mỗi vụ, GT anh Thiên tiêu thụ khoảng 17-20 tấn thức ăn (giá 200 triệu đồng).
“Sau khi các sở ngành làm việc, giá thức ăn của một số hãng đã giảm 4 nghìn đồng/bao (loại 25kg). Giảm như thế quá ít, tính ra chi phí thì người nuôi vẫn tiếp tục lỗ. Heo bán nhỏ giọt nhưng càng nuôi thì vừa tốn thức ăn vừa có trọng lượng lớn nên càng khó bán. Người nuôi chỉ cầm cự trong thời gian nữa thì bỏ nuôi thôi”, anh Thiên khẳng định.
Ông Giáp Thanh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Sơn thông tin: “Trên địa bàn xã có khoảng 2.300 con heo nái sinh sản và heo thịt, chủ yếu tập trung ở 50 GT nhỏ. Hiện nay, số đàn đã giảm mạnh. Ngoài số ít trang trại có liên kết sản xuất với các công ty để chăn nuôi gia công, hầu hết các GT khó khăn đầu ra, giá thấp nên thải đàn dần dần và hiện đang nuôi cầm cự”.
Tại vùng rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền), hàng chục trang trại kiêm đại lý thức ăn chăn nuôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vừa đầu tư hạ tầng trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, hệ thống heo lồng hơn 1 tỷ đồng, bước vào nuôi vụ đầu tiên khi xuất bán cũng là lúc giá heo hơi “tụt dốc” thê thảm, khiến trang trại ông Nguyễn Thuận thua lỗ.
Bình quân mỗi vụ nuôi, với 40 heo nái và hơn 120 heo thịt, trang trại ông Thuận tiêu thụ khoảng 250 triệu đồng tiền thức ăn. “Giá thức ăn của một số công ty như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Cargill VN thời gian gần đây có giảm từ 4-5 nghìn đồng/bao (loại 25kg). Tuy nhiên, tính lại chi phí người nuôi vẫn cứ lỗ do giá heo hơi quá thấp. Người nuôi không bán heo được dẫn đến “nợ gối” lại các đại lý nên đại lý kiêm chăn nuôi như chúng tôi càng gặp khó khăn hơn”, ông Thuận cho biết.
Thêm nhiều quầy thịt sạch
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho hay, trước tình trạng chăn nuôi heo gặp khó khăn, “sợ” tái đàn nên số lượng đàn heo trên địa bàn huyện đã giảm từ 45 nghìn con xuống còn 15 nghìn còn. Hàng chục trang trại chăn nuôi không hiệu quả khiến 15 điểm bán thức ăn trên địa bàn huyện cũng gặp khó khăn.
“Giải pháp của địa phương hiện nay sẽ giảm đàn dần và lựa chọn giữ lại số lượng heo nái phù hợp để người nuôi có thể áp dụng biện pháp chăn nuôi nông hộ, tăng cường thức ăn phối trộn để tăng chất lượng thịt đồng thời giảm chi phí đầu vào. Việc nâng cấp quầy thịt theo chủ trương của UBND tỉnh là giải pháp tối ưu cho thực trạng chăn nuôi heo hiện nay”, ông Vọng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, đến tháng 6/2017, tổng đàn heo trên địa bàn huyện giảm xuống còn khoảng 30.000 con. Địa phương đã triển khai các giải pháp nhằm chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả heo thịt.
Trên địa bàn tỉnh có tất cả 1.234 trang trại, GT được đầu tư. Trong đó, các chuỗi liên kết chủ yếu tập trung ở 35 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Hiện, có 7 trang trại hình thành mô hình chuỗi liên kết, liên doanh với nông dân để tiêu thụ. Việc xây dựng, nâng cấp quầy bình thường thành quầy thịt heo sạch với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp đang là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này.
“Hiện nay, toàn huyện có 6 trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa và lớn, nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, trong đó có 3 trang trại đang sản xuất quy mô 8.000 heo thịt/lứa và 3 trang trại đang xây dựng quy mô 2.400 heo nái và 10.000 heo thịt, dự kiến năm 2018 sẽ đi vào sản xuất. Có sự góp tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần ổn định thị trường, người chăn nuôi sẽ “an toàn” hơn trước sự biến động của giá cả”, ông Cho khẳng định.
T.S Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh thông tin, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Huế triển khai việc kinh doanh thịt heo sạch ở các sạp trong các chợ trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp hữu hiệu cho việc tăng cường tiêu thụ lượng thịt heo đang dư thừa, góp phần giải quyết đầu ra cho người nông dân. Đưa sản phẩm thịt heo sạch, đảm bảo ATVSTP đến người tiêu dùng là yếu tố quan trọng.
Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Huế sẽ phối hợp với các tiểu thương đang bán thịt heo ở các sạp bình thường tại các chợ trên địa bàn tỉnh để nâng cấp lên kinh doanh sạp thịt sạch, có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y từ trang trại, giết mổ đến bàn ăn.
“Tuy nhiên, đây chỉ mới có một doanh nghiệp được chấp thuận nâng cấp quầy thịt bình thường thành thịt sạch. Giải pháp của ngành nông nghiệp đang hướng đến là tiếp tục đề xuất UBND tỉnh, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp tiếp cận các chủ cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh; cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho các trang trại; tổ chức tập huấn, cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho các tiểu thương kinh doanh thịt nhằm có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc nâng cấp quầy thịt sạch này”, ông Hưng khẳng định.
Hà Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.