• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng, chống dịch bệnh ở gia cầm: Phát hiện kịp thời, xử lý nhanh ổ bệnh

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 13/07/2017
Ngày cập nhật: 14/7/2017

Thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay là điều kiện cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát dịch vật ở gia cầm. Do vậy, người dân cần phối hợp với chính quyền, ngành chức năng khẩn trương áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi.

Cán bộ thú y xã Tiến Dũng (Yên Dũng) tiêm phòng cho đàn gà tại thôn Đông Thắng.

Đầu tháng 7, gia đình ông Bùi Hữu Tuyến, thôn Đông Phú, xã Xuân Phú và hộ ông Nguyễn Văn Tín, thôn Núi Ô, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có hơn 320 con gà, ngan bị chết. Biểu hiện nghi mắc cúm gia cầm nên ngay khi nhận được tin báo, Trạm Thú y huyện nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử lý ổ bệnh, chôn hủy toàn bộ đàn gia cầm của hai hộ tại nơi xa dân cư, xa nguồn nước. Đồng thời phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột ở khu vực chăn nuôi và vùng lân cận; hỗ trợ kinh phí cho người dân khi gia cầm bị tiêu hủy. Do vậy, bệnh được khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không phát sinh ổ mới.

Bà Trần Thị Tuyên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện đánh giá, nguyên nhân bệnh xảy ra là do các hộ chưa sát sao với đàn vật nuôi. Đơn cử như hộ ông Tín mua giống trôi nổi trên thị trường thả lẫn vào đàn nuôi của nhà, từ đây bệnh đã lây lan. Còn hộ ông Tuyến thì chưa chú trọng tiêm phòng đầy đủ cũng như vệ sinh chuồng trại theo quy định.

Qua rà soát đàn gia cầm của xã Tiến Dũng, Xuân Phú cho thấy có khoảng 10 nghìn con trong diện phải tiêm phòng. Do vậy, UBND huyện Yên Dũng vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ vắc-xin dự phòng; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không giấu dịch. Bên cạnh đó, phát động toàn huyện thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 3; cấp phát hơn 550 tấn hóa chất; 2 tấn vôi bột/xã nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài huyện Yên Dũng, hiện nay gia cầm chết rải rác tại một số địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa dịch bệnh còn khó khăn. Ông Ngô Văn Môn, cán bộ thú y xã Tiến Dũng nói: “Nhiều hộ cho rằng gà nuôi thịt chỉ trong vài tháng là xuất chuồng nên không cần tiêm phòng. Bởi vậy, tỷ lệ tiêm phòng của xã thấp. Nguồn bệnh thường khởi phát từ vật nuôi không tiêm vắc-xin, sau đó lây lan sang đàn khác”.

Tại huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang cũng có tình trạng tương tự, đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không hợp tác nên việc phòng bệnh kém hiệu quả.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 13 triệu con gia cầm. Công tác phòng ngừa bệnh của người dân còn hạn chế cộng thêm thời tiết diễn biến phức tạp đã gây bất lợi cho vật nuôi. Có thời điểm nắng nóng gay gắt, sau đó mưa lớn đã khiến sức đề kháng của gia cầm giảm, dễ mắc bệnh. Hơn nữa, vi-rút H7N9 đã xâm nhập tại một số vùng của Trung Quốc, tiếp giáp với nước ta. Mùa này đang là thời điểm xuất hiện mưa lũ, rất có thể kéo theo nguồn bệnh từ thượng nguồn sông suối về, có nguy cơ cao xâm nhập vào đàn vật nuôi của tỉnh. Chủng vi-rút H7N9 vẫn chưa có vắc-xin phòng trị, không làm chết gà nhưng có thể lây sang người. Người nhiễm vi-rút có tỷ lệ tử vong cao.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các huyện, TP, đơn vị chuyên môn triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm. Căn cứ vào chỉ đạo, tại huyện Yên Thế, nơi có tổng đàn gà lớn nhất tỉnh, người dân thường xuyên có ý thức phòng dịch bởi coi chăn nuôi gà là nghề thu nhập chính; không có tâm lý trông chờ vào Nhà nước. Trạm Thú y huyện Yên Thế cử cán bộ trực, kiểm dịch kịp thời cho sản phẩm lưu thông. UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Huyện Lạng Giang đang đôn đốc tiêm vắc-xin và rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại nơi công cộng, điểm bán, giết mổ gia cầm.

Đi đôi với biện pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng để tạo lá chắn vững chắc bảo vệ đàn gà cần quản lý, phòng ngừa đồng bộ từ khâu lựa chọn con giống, chăm sóc cho đến lưu thông; hạn chế thấp nhất mầm bệnh xâm nhập, phát sinh. Trong đó, người dân phải tự bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, hạn chế thiệt hại. Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời ổ bệnh, không để lây lan diện rộng. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Hiện nay, ngoài chỉ đạo lực lượng thú y hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn, Sở yêu cầu đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống, ngăn ngừa tình trạng nhập lậu gia cầm. Lấy mẫu thức ăn công nghiệp, thuốc thú y phân tích, bảo đảm hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng".

Trịnh Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang