Nguồn tin: Báo Long An, 17/07/2017
Ngày cập nhật:
19/7/2017
Bảo đảm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường là chủ trương đúng đắn của TP.HCM với mục tiêu hướng tới quyền lợi người tiêu dùng. Việc triển khai thực hiện Đề án (ĐA) Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của UBND TP.HCM tại tỉnh Long An tạo được những nền tảng bước đầu, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 100% thịt heo buộc phải truy xuất được nguồn gốc
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Ngọc Hòa: Sau thời gian triển khai thử nghiệm cho các cơ quan, đơn vị, đối tượng làm quen với ĐA (từ cuối tháng 12/2016 đến nay), kể từ ngày 31/7/2017, TP.HCM chính thức kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường thành phố. Như vậy, cùng với lượng heo bán tại kênh bán lẻ hiện đại được kiểm soát tốt thì 100% thịt heo vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.
Nguồn heo nhập vào các cơ sở giết mổ này rất phong phú
Đến nay, có 1.280 cơ sở chăn nuôi ở 16 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia ĐA. Tuy nhiên, số cơ sở thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc là 132 cơ sở với khoảng 421.600 con (trung bình khoảng 4.800 con heo/ngày).
Ðối với cơ sở giết mổ (CSGM), sau khi triển khai ĐA, có 25 CSGM đăng ký (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) và có 10/25 CSGM có kiểm soát, kích hoạt thông tin nguồn gốc. Đối với kênh phân phối hiện đại, trung bình mỗi ngày có 1.300 con heo tiêu thụ và 100% số heo này được kích hoạt cung cấp thông tin đầy đủ tất cả các chủ đề tham gia.
Đối với 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, mỗi ngày có khoảng 7.000 con heo được tiêu thụ, trong đó có khoảng 3.700 con heo (53%) được kích hoạt.
Còn nhiều khó khăn
Ngày 13/3/2017, Sở Công Thương TP.HCM có Thông báo số 2014/TB-SCT về việc triển khai ĐA Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Theo đó, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị thương lái yêu cầu cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia ĐA; trường hợp cơ sở chăn nuôi chưa đăng ký tham gia ĐA thì thương lái thu mua phải đăng ký tham gia để mua và kích hoạt vòng nhận diện, điền các thông tin: Số lượng heo, tên cơ sở chăn nuôi, bảng số xe vận chuyển,... Quá trình kích hoạt vòng và khai báo thông tin, cần có thiết bị chuyên dụng hoặc điện thoại thông minh được cài phần mềm và sử dụng wifi hoặc có sim 3G.
Với thực trạng chăn nuôi heo còn nhỏ, lẻ như hiện nay, người chăn nuôi heo nông hộ trên địa bàn tỉnh gặp khá nhiều khó khăn để đăng ký tham gia ĐA, mua vòng và kích hoạt vòng (3-4 tháng mới có đợt xuất chuồng, số lượng heo xuất chuồng cũng không nhiều, năng lực và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế). Trong khi đó, nếu để thương lái thực hiện thì khó tránh khỏi tình trạng ép giá người chăn nuôi hoặc khai báo thông tin thiếu chính xác.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Long An có 5 CSGM heo (3 cơ sở ở huyện Bến Lức, 1 ở huyện Đức Hòa và 1 ở huyện Tân Trụ) chuyên xuất sản phẩm về chợ Bình Điền tiêu thụ. Số lượng trung bình giết mổ và xuất về chợ Bình Điền khoảng 2.000-2.500 con/ngày. Nguồn heo nhập vào các CSGM này rất phong phú, ngoài nguồn heo nội địa chăn nuôi trong tỉnh còn có số lượng lớn nhập từ các tỉnh khác về, chủ yếu là Bến Tre, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,... và thậm chí có thời điểm, CSGM nhập heo từ các tỉnh phía Bắc. Triển khai thực hiện ĐA, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận thấy, số heo nhập vào cơ sở hầu hết vẫn chưa được đeo vòng nhận diện màu vàng, chỉ một số rất ít là có vòng (từ trang trại của Công ty CP, JAPFA ở Đồng Nai). Và trong số ít heo có đeo vòng thì một số vòng lại bị hỏng hoặc siết quá chặt (do heo khác cắn siết vào hoặc do giẫm đạp) làm bầm tím phần chân dưới vòng.
Bên cạnh đó, hiện nay, tất cả chi phí mua vòng đeo tại CSGM các thương lái đều trừ vào người chăn nuôi khi thu mua heo, thậm chí, số tiền bị trừ cho mỗi con heo lên đến 30.000-50.000 đồng, do đó làm cho người chăn nuôi heo đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mỗi ngày, với khoảng 2.000 con heo từ 5 CSGM của Long An phải đeo vòng để được vào chợ Bình Điền thì chi phí người chăn nuôi phải gánh khoảng 80.000.000 đồng/ngày (2.000 con/ngày x 40.000 đồng/con=80.000.000 đồng/ngày).
Ngoài ra, khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc đề án, cán bộ Thú y đang thực hiện một số khâu trùng lắp, ví dụ: Niêm phong phương tiện đồng thời bằng cả 2 loại dây niêm phong (vòng niêm phong theo quy định của ngành Thú y và vòng màu cam/trắng của ĐA), do đó, đề nghị ĐA có giải pháp phù hợp hơn nhằm giảm công việc và chi phí không cần thiết”.
Truy xuất nguồn gốc heo còn nhiều khó khăn
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận 10 thiết bị truy xuất chuyên dụng, hiện chủ yếu cấp cho cán bộ Thú y ở 5 CSGM tham gia ĐA. Tuy nhiên, quy chế về quản lý, sử dụng những thiết bị này hiện vẫn chưa có. Trong trường hợp thiết bị hỏng hoặc những phát sinh khác liên quan đến thiết bị thì trách nhiệm thuộc về ai? Riêng đối với công tác kiểm dịch heo từ các cơ sở chăn nuôi tham gia đề án, một số cán bộ Thú y của chi cục không có điện thoại thông minh nên phải sử dụng thiết bị/điện thoại thông minh của cơ sở chăn nuôi. Điều này cần được UBND TP.HCM bổ sung vào quy chế ĐA hoặc có hướng giải quyết phù hợp nhằm thuận tiện cho công tác kiểm dịch” - bà Phương Khanh cho biết thêm./.
Huỳnh Phong
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.