Nguồn tin: Báo Hà Giang, 19/07/2017
Ngày cập nhật:
21/7/2017
Thời gian qua, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được xem là địa phương có sự phát triển khá mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi với nhiều gia trại quy mô lớn được thành lập. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các nguồn vốn vẫn đang là nỗi trăn trở của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Dù đã có những chính sách khuyến khích nhưng để có thể hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa vẫn cần thêm những “cú hích” thực sự mạnh giúp người dân mở rộng quy mô, nâng cao đời sống.
Thường xuyên duy trì nuôi trên 100 con lợn, vợ chồng chị Ngô Thu Ngân, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ.
Là huyện nằm trong vùng động lực của tỉnh với nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Lâu nay, Vị Xuyên xác định lấy nông nghiệp làm trọng điểm nên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân. Ngoài một số chương trình hỗ trợ chuyển giao, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí và vắc-xin phòng, chống dịch bệnh, huyện đã lãi suất cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi. Vì vậy, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng tăng về số lượng. Hiện toàn huyện có trên 770 nghìn con gia súc, gia cầm. Do có điều kiện thuận lợi về chăn thả nên Vị Xuyên là huyện có số lượng đàn trâu lớn với gần 35 nghìn con, gần 2.900 con bò, đàn lợn dao động trên dưới 80 nghìn con, đàn dê gần 18 nghìn con, gia cầm trên 635 nghìn con. Đây là con số khá lớn nhưng qua tìm hiểu thực tế, số lượng gia súc, gia cầm nuôi theo quy mô gia trại lớn chưa nhiều; việc hình thành nên vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đứng trước tình trạng giá cả bất ổn như thời gian vừa qua, không ít người chăn nuôi bị thua lỗ nên có tâm lý e ngại trước việc mở rộng quy mô. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở chăn nuôi thường tự bỏ vốn đầu tư ban đầu, việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ chỉ chiếm một số ít.
Gia đình chị Ngô Thu Ngân, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Với số tiền 400 triệu đồng của gia đình cùng với giúp đỡ của anh em, họ hàng; chị quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống lợn về nuôi. Gia đình chị thường duy trì nuôi trên 100 con lợn, vừa nuôi lợn thịt, vừa nuôi lợn nái để chủ động giống sau mỗi lứa xuất bán. Đến nay, sau gần 1 năm chăn nuôi, nhận thấy có lợi nhuận, gia đình chị đang hướng đến thành lập HTX chăn nuôi, xây dựng phương án chăn nuôi một cách bài bản. Giống như gia đình chị Ngân, nhiều gia đình ở thôn Việt Thành đã biết cách tìm hướng làm giàu từ chăn nuôi. Gia đình chị Đinh Thị Lụa tiếp cận nuôi gà giống Dabaco, duy trì nuôi 3.000 con các lứa; sau 3,5 tháng, gia đình chị xuất bán một lần, thu về vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Giống như gia đình chị Ngân, hầu hết người chăn nuôi ở thôn Việt Thành đều tự bỏ tiền đầu tư, trong quá trình chăn nuôi phải chi phí nhiều khâu như: Chăm sóc, thức ăn chăn nuôi nên không ít hộ dân gặp khó về kinh phí. Qua trao đổi, người dân nơi đây đều có mong mỏi được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Với mong muốn mở rộng chăn nuôi nhưng gia đình chị Đinh Thị Lụa, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm còn nhiều khó khăn về vốn.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng thôn Việt Thành cho biết: “Thôn mới thành lập theo mô hình HTX toàn thôn của thôn Chang trong xã. Toàn thôn có 175 hộ thì chỉ có 6 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, còn lại là khá và giàu. Người dân trong thôn chủ yếu phát triển chăn nuôi và đầu tư các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tiềm lực trong dân tuy mạnh nhưng để khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất cần những cơ chế hỗ trợ thực sự hiệu quả”. Được biết, Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã góp phần tạo động lực cho người dân phát triển chăn nuôi hàng hóa. Trên địa bàn thôn Việt Thành có một số hộ dân sau khi vay nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả sử dụng. Trong đó, anh Lê Văn Phương là một trong những hộ vay 100 triệu đồng mua 5 con con trâu về nuôi. Hiện gia đình anh đã bán 2 con và tiếp tục đầu tư xâu dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ, mua thêm trâu về nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, do đối tượng vay và đối tượng tham gia chăn nuôi chưa đáp ứng theo yêu cầu của Nghị quyết 209 nên nhiều hộ chăn nuôi ở Việt Thành đang đứng trước khó khăn về vốn.
Thực tế cho thấy, việc người dân Vị Xuyên dần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi hàng hóa là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân đang ngày một thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, ngoài những chính sách của tỉnh, thiết nghĩ Vị Xuyên cần có một “cú hích” thực sự đủ mạnh để giúp người nông dân tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi. Đó không chỉ là cơ sở giúp địa phương thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp mà còn là nền tảng để triển khai chương trình nửa triệu con đại gia súc theo chủ trương của tỉnh.
Kim Tiến
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.