• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu mật ong rừng Sơn Động

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 21/07/2017
Ngày cập nhật: 24/7/2017

Cùng với nấm lim, chè Bát Tiên thì mật ong rừng là sản phẩm gắn liền với du lịch của huyện Sơn Động (Bắc Giang). Tuy nhiên, để thương hiệu này lên hương, đủ sức vươn ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, ngoài nỗ lực của người dân, địa phương cần có nhiều cơ chế hỗ trợ.

Thành viên HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động kiểm tra đàn ong. Ảnh: Việt Hưng

Nhiều tiềm năng

Trước đây, đa số người dân nuôi ong theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Nhận thấy tiềm năng sẵn có, năm 2015, UBND huyện thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động tại xã Tuấn Đạo - nơi có số hộ nuôi ong nhiều nhất huyện. Tham gia HTX, người nuôi ong có điều kiện trao đổi, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Khởi, thôn Lâm Tuấn (xã Tuấn Đạo) là điển hình nuôi ong. Từ khi tham gia HTX, ông được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi ong lấy mật, nhân giống đàn ong từ ong rừng. Đến nay, gia đình có hơn 150 đàn ong, thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Văn Hoàn, thôn Chao (xã An Lập) cũng là “bậc thầy” trong nghề nuôi ong lấy mật. Với hơn 60 đàn, mỗi năm gia đình anh đưa ra thị trường khoảng 500 lít mật. Với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/lít, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Nắm bắt được lợi thế khi hơn 80% diện tích tự nhiên của huyện là rừng, đặc biệt có khu bảo tồn Tây Yên Tử với hơn 800 loài cây, cỏ khác nhau, nhiều hộ gia đình đã lựa chọn nghề nuôi ong là hướng phát triển kinh tế trọng tâm. Nhiều hộ dân ở các xã: Tuấn Đạo, An Lạc, Thanh Luận, Giáo Liêm, Cẩm Đàn, Yên Định, An Lập... có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong. Hiện nay, toàn huyện có hơn 16 nghìn hộ nuôi ong, sản lượng đạt 130-140 tấn mật/năm. Mặc dù mật ong là đặc sản của huyện nhưng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ còn khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng. Để sản phẩm vươn xa, năm 2015, UBND huyện có hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong rừng Sơn Động” đối với sản phẩm của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động.

Để hương mật bay xa

Mặc dù được công nhận nhãn hiệu tập thể song đến nay, HTX chưa công bố được hợp quy, không có vốn đầu tư hệ thống nhà xưởng. Vì thế, việc đưa sản phẩm mật ong ra thị trường còn gặp khó khăn. Tại HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động, hiện số xã viên đã tăng từ 29 lên 68 với tổng đàn hơn 5,1 nghìn, chiếm gần 30% tổng đàn của huyện. Thời gian qua, HTX tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp người nuôi ong tiếp cận với phương pháp kỹ thuật tiến bộ, đồng thời hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển đàn ong.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX, hiện sản phẩm của đơn vị vẫn chủ yếu do các hộ gia đình tự tiêu thụ, thương nhân mua khi có nhu cầu. Để phát huy thế mạnh loại đặc sản này, sự nỗ lực của các hộ nuôi ong, HTX là chưa đủ mà còn cần sự quan tâm của UBND huyện, nhất là hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị đóng chai. Cơ quan chuyên môn huyện quan tâm quảng bá các sản phẩm từ ong, tạo thuận lợi mở rộng thị trường, giúp đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực tế, việc phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn huyện còn thiếu tính bền vững, chủ yếu do bà con tự nhân giống. Khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia HTX, có cơ chế hỗ trợ, nhân giống đàn ong chất lượng.

Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Khi quy mô HTX đủ lớn, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường. Về lâu dài, bản thân các hộ nuôi ong cũng cần chủ động học hỏi, từng bước chuyển đổi hình thức nuôi ong theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), nhằm hướng tới xây dựng và bảo vệ tốt thương hiệu mật ong rừng Sơn Động”.

Toàn huyện có hơn 16 nghìn hộ nuôi ong, sản lượng đạt 130-140 tấn mật/năm. Mặc dù mật ong là đặc sản của huyện nhưng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ còn khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng.

Sỹ Quyết - Xuân Thỏa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang