Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 26/07/2017
Ngày cập nhật:
27/7/2017
Xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy, Hòa Bình) có diện tích đồi rừng khá lớn. Đây là điều kiện để người dân khai thác lợi thế, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Theo lời kể của đồng chí Bùi Văn Phầy, Chủ tịch HĐND xã, nhiều năm về trước, một số hộ dân đã tự phát nuôi ong nhưng phải đến khi Dự án Giảm nghèo triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế ở vùng dự án, chấp thuận đề xuất của các nhóm hộ trong đầu tư, hỗ trợ, nghề nuôi ong lấy mật mới thực sự trở thành hướng đi rõ rệt, tiếp cận thị trường và kinh tế hàng hóa.
Khách hàng trực tiếp đến HTX Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) xem và mua sản phẩm ong mật.
Hộ ông Bùi Văn Bẻm là một trong những hộ tham gia mô hình ở thời kỳ đầu. ông Bẻm cho biết: Chúng tôi đã theo học lớp tập huấn kỹ thuật, giúp việc chăm sóc, thu mật dễ dàng. Mỗi năm đàn ong lại được nhân lên, thay vì kiểu nuôi truyền thống, lượng mật thu chỉ đủ tiêu thụ trong gia đình, hiệu quả kinh tế hiện nay đã nâng rõ rệt. Bình quân mỗi năm, gia đình có thu nhập 80 triệu đồng.
Một trường hợp khác là ông Bùi Văn Dương, trưởng nhóm nuôi ong Yên Tân. Trước năm 2012, gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, phải ở nhà tạm. Từ chỗ có 2 đàn ong do dự án giúp vốn, đến nay ông đã nhân được trên 40 đàn, thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Nghề nuôi ong phát triển, đầu ra thuận lợi, ông đã xây được nhà mái bằng kiên cố, kinh tế vươn lên khá giả.
Đây chỉ là 2 trong số không dưới 10 hộ thoát nghèo nhờ nghề nuôi ong lấy mật ở xóm Yên Tân. Cho đến giờ, nhóm cùng sở thích nuôi ong (CIG) đã phát triển lên thành HTX Yên Tân chuyên cung cấp ong giống và mật ong nguyên chất. ông Quách Tất Vở, Giám đốc HTX cho biết: ở xóm, hầu như gia đình nào cũng nuôi ong, chỉ khác là quy mô ít hay nhiều. Mấy năm gần đây, khi tham gia vào nhóm CIG và nay phát triển thành HTX, thay vì quy mô nhỏ lẻ, các thành viên HTX có điều kiện cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ đầu ra thị trường hơn. 11 thành viên của HTX cũng là những hộ có mức độ tăng đàn, thu được nhiều mật ong hơn các hộ khác. Tiêu biểu như hộ các ông: Bùi Văn Bẻm, Bùi Văn Dương, Bùi Văn Cương, Bùi Văn Lư…
Nghề nuôi ong lấy mật ở Yên Tân là minh chứng cho những nỗ lực giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Lạc Lương. Riêng số lượng đàn ong của 11 thành viên HTX đã lên tới 302 đàn, tăng 276 đàn so với khởi điểm nuôi năm 2012. Doanh thu từ mật ong thương phẩm của HTX vụ nuôi ong 2017 đạt gần 1 tỷ đồng. Trước năm 2012, 100% thành viên của HTX là hộ nghèo. Đến nay đã có 50% hộ khá, 50% hộ có mức sống trung bình.
Nghề nuôi ong đã mang lại những đổi thay, mật ong Yên Tân giữ hương vị thơm ngọt đặc trưng, được khách gần xa biết đến, tìm mua bằng được thứ đặc sản nguyên chất, bổ dưỡng, nhiều công dụng của núi rừng. Với hướng phát triển nghề nuôi ong, xây dựng mô hình HTX nuôi ong đầu tiên và duy trì 2 nhóm nuôi với 9 - 10 thành viên/nhóm, mật ong Yên Tân đã và đang tạo dựng thương hiệu, đồng thời cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân. Với sự hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo, đường giao thông liên xóm cũng mở mang hơn, thuận lợi để sản phẩm mật đi đến các thị trường. Từ chỗ hộ nghèo của xóm chiếm 62%, hiện giảm còn dưới 40%, bình quân giảm hơn 5%/năm.
Bùi Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.