Nguồn tin: Báo Bình Phước, 29/07/2017
Ngày cập nhật:
31/7/2017
Tốt nghiệp Đại học Bình Dương với tấm bằng loại khá, sau đó tiếp tục học Trường trung cấp Y tế Bình Phước và tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng sau nhiều lần suy tính, anh Trần Văn Hiệu (SN 1989) ở ấp 4, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) đã chọn cho mình lối đi riêng. Đó là về quê xây dựng trang trại nuôi dê kết hợp trồng tiêu. Nhờ chịu khó lao động, học hỏi kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nên hiện nay anh thu trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo biên giới Bù Đốp, chứng kiến cảnh cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn bị cái nghèo bủa vây, năm 2008, anh Hiệu thi đậu ngành Cầu đường Trường đại học Bình Dương, mang theo ước mơ, hy vọng thoát cảnh nghèo khó. Năm 2012, anh tốt nghiệp đại học loại khá nhưng vẫn khó xin việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Không từ bỏ ước mơ, anh tiếp tục học Trường trung cấp Y tế Bình Phước. Đến tháng 6-2014, anh tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Tuy nhiên mỗi năm số sinh viên ra trường không ngừng tăng, đồng nghĩa cơ hội việc làm ngày càng ít, anh tiếp tục rơi vào cảnh thất nghiệp.
Một mình ở Đồng Xoài, không người thân quen, ban ngày anh Hiệu đi gửi hồ sơ xin việc từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, tối về làm thêm như phục vụ, giữ xe cho nhà hàng, quán nhậu. Nhiều tháng trôi qua nhưng anh vẫn không tìm được công việc phù hợp với khả năng, mong muốn của mình. Nhận thấy tương lai nơi đô thị không mấy khả quan, trong khi tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp ở quê đang bị bỏ phí, sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định về quê trồng tiêu, mở trang trại nuôi dê. Anh Hiệu cho biết: “Bỏ ra bao nhiêu tâm huyết trên con đường đèn sách mà không tìm được công việc đúng chuyên môn nên bản thân thấy rất buồn. Tuy nhiên, với những kiến thức đã học tôi quyết định tìm hướng đi tốt để phát triển kinh tế tại quê nhà”.
Anh Trần Văn Hiệu kết hợp trồng tiêu nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao
Trở về quê, lúc đầu anh Hiệu bị cha mẹ và mọi người phản đối kịch liệt vì đã uổng công bao năm đèn sách. Tuy nhiên với thái độ quyết làm đến cùng và đưa ra những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế hợp lý, cha mẹ anh cũng đồng ý vay vốn 30 triệu đồng từ người thân, ngân hàng đầu tư cho con trai xây dựng kinh tế nông nghiệp.
Bước đầu, do kinh tế còn khó khăn nên quy mô trang trại nhỏ. Lứa đầu tiên, anh nuôi 10 con dê giống bắc thảo. Đây là giống dê có trọng lượng lớn, thịt ngon, thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Cùng với đó anh trồng 200 nọc tiêu bằng trụ sống, chủ yếu là cây keo để làm thức ăn cho dê và lấy phân dê bón cho tiêu. Với bản chất cần cù, chịu khó, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi dê và cây trồng. Nhờ đó từ lứa dê đầu tiên đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ sở để anh “mạnh tay” mở rộng quy mô trang trại, quyết làm giàu từ chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ 10 con dê và 200 trụ tiêu ban đầu, sau nhiều lần mở rộng quy mô chuồng trại và vườn tiêu, đến nay anh đã sở hữu 1 trang trại dê trên 40 con và 1 vườn tiêu xanh tốt hơn 2.000 nọc. Trừ chi phí, anh thu lời khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Hiệu nói: “Để nuôi - trồng kết hợp hiệu quả, người làm cần phải cân đối được số lượng đàn dê và trụ tiêu nhằm chủ động nguồn thức ăn. Đối với phân dê để bón vườn tiêu hiệu quả cần phải qua quá trình ủ thật kỹ và bón vào thời điểm thích hợp. Muốn cây - con phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến dịch bệnh để kịp thời phòng trừ, tránh lây lan”.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hiệu còn là đoàn viên năng động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phong trào do đoàn cấp trên tổ chức; thường xuyên tham gia tổ chức cho các đoàn viên thanh niên trong ấp trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh còn giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Từ một chàng trai nghèo, với ý chí khát vọng của tuổi trẻ, anh đã gặt hái được “trái ngọt” trên con đường lập thân lập nghiệp của mình, là gương sáng cho các bạn trẻ noi theo.
Đức Trung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.