Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 31/07/2017
Ngày cập nhật:
1/8/2017
Nhờ biết cách chăm sóc và am hiểu đặc tính đối tượng nên mô hình nuôi động vật hoang dã đã giúp nhiều hộ dân trong tỉnh Hậu Giang có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.
Cầy vòi hương luôn là đối tượng tốt mà không ít người dân trên địa bàn tỉnh chọn để nuôi.
Thành công với mô hình nuôi cầy vòi hương (chồn hương) sinh sản, ông Lê Quốc Dũng, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết những năm trước, phong trào nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu lan rộng, trong đó cầy vòi hương trở thành đối tượng được nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh “săn đón” mang về nuôi để phát triển kinh tế và gia đình ông cũng không ngoại lệ.
Ông Dũng kể, vào khoảng năm 2010, sau khi bàn với gia đình, ông đến tận xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) mua một cặp cầy vòi hương con với giá 7 triệu đồng về nuôi. Lúc này, ông bắt đầu tìm hiểu tập tính, cách cho ăn, cũng như thuần phục chúng. Từ 2 con giống ban đầu, đến nay qua 7 năm nuôi, ông Dũng đã sở hữu trên 20 chuồng, với hơn 20 con cầy vòi hương, trong đó có 7 con chồn hương con. “Ban đầu nuôi con vật này tôi cũng vất vả lắm, cực nhất là không biết chúng sinh sống như thế nào, cho ăn ra sao. Trải qua nhiều lần thất bại nên tôi rút tỉa được kinh nghiệm nuôi mới thành công. Hiện tôi chỉ nuôi sinh sản, không còn nuôi thương phẩm và với hơn 15 con cầy vòi hương bố mẹ, một năm chúng có thể cho sinh sản trên dưới 30 con chồn hương con, thu nhập cũng khoảng 100 triệu đồng/năm”.
Theo các hộ nuôi động vật hoang dã, từ bản năng, cầy vòi hương là loài động vật rất dễ thích nghi với môi trường sống tự nhiên, cũng như nuôi lồng. Đồng thời, kỹ thuật chăm sóc rất nhẹ, người nuôi chỉ cần chọn nơi thông thoáng, khô ráo, tránh mưa và gió lạnh thì việc nuôi cầy vòi hương thương phẩm rất có hiệu quả, còn kích thước lồng nuôi thì tùy theo người nuôi thiết kế. Đối với nuôi sinh sản, khẩu phần ăn luôn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Một tuần, người nuôi cần cho cầy vòi hương ăn với những chế độ khác nhau như: thịt, cá, rắn, cua… cho đến các loại trái cây đặc thù. Có như vậy, cầy vòi hương bố mẹ mới sinh trưởng và sinh sản tốt.
Tương tự, anh Lê Văn Quắn, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hồi đó, gia đình tôi làm kinh tế vườn, đất đai ít ỏi, hàng năm thu nhập không đáng là bao. Vì thế, khi nghe nuôi động vật hoang dã cho lợi nhuận khá nên tôi mạnh dạn nuôi cầy vòi hương. Qua 2 năm nuôi, từ 5 con bố mẹ, tôi đã xuất bán được 10 con chồn hương con, kinh tế thu về ban đầu cũng được 25 triệu đồng. Tới đây, tôi dự định tiếp tục nhân đàn và học hỏi thêm cách chăm sóc để nuôi sinh sản thành công hơn, nhằm phát triển kinh tế gia đình”.
Với giá trị kinh tế hấp dẫn, thời gian gần đây, phong trào nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh lan rộng, đối tượng nuôi cũng trở nên đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại như: rắn ri voi, ba ba trăn đất, cá sấu, heo rừng… Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý chuyên môn trong tỉnh, khi nuôi động vật hoang dã phải được ngành kiểm lâm địa phương thẩm định nguồn gốc và cấp phép; thực hiện chức năng quản lý, thường xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Ngoài ra, hướng dẫn người nuôi các thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi và cách xây dựng chuồng trại, tuyệt đối không để vật nuôi thoát ra môi trường; nghiêm cắm săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã trong tự nhiên.
Từ việc hỗ trợ của các ngành chức năng, lâu nay các hộ nuôi động vật hoang dã tỉnh nhà luôn được hưởng lợi. Cụ thể là khâu mua bán diễn ra khá dễ dàng; kịp thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giúp người nuôi hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi và nhân đàn, đặc biệt là giá bán ra thị trường luôn ở mức cao và ổn định. Ông Huỳnh Thiện Tâm, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, bày tỏ: “Tính ra, tôi đã nuôi rắn ri voi hơn 8 năm rồi và chỉ nuôi sinh sản. Thông thường tôi nuôi hơn 100 con rắn bố mẹ nên mỗi năm chúng sinh sản rất đạt và đợt này khoảng 400 con rắn con mới bán hết với giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/con. Sở dĩ, tôi bán được giá cao như vậy là vì khi nuôi có khai báo với đơn vị kiểm lâm địa phương nên nguồn gốc rõ ràng, buôn bán thuận tiện, trung bình cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/con. Từ số lượng trên, tôi thu nhập cũng trên 50 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước rất nhiều. Song, nếu không khéo tính, khéo nuôi thì cũng không ít người nuôi thất bại, thâm vốn, bỏ chuồng”.
Theo ông Lê Trung Chánh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, thời gian qua, phong trào nuôi động vật hoang dã ở địa phương phát triển khá mạnh, thu về lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trước sức ép từ yếu tố thị trường thì người nuôi vẫn chịu rủi ro và vật nuôi sẽ trở thành gánh nặng. Do vậy, để tránh tình trạng thất thoát, người nuôi cần chú ý lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp. Ngành luôn khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để nuôi trăn đất và ba ba. Bởi vì, 2 loài động vật này đầu ra trên thị trường tương đối ổn định, dễ nuôi, ít rủi ro.
“Tới đây, đơn vị sẽ tuyên truyền, vận động, thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng hộ nuôi không khai báo và mua bán trái phép. Đồng thời, chúng tôi vừa thực hiện mô hình nuôi động vật hoang dã đối với 3 xã có diện tích gần Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng là xã Hiệp Hưng, Phương Phú và Phương Bình nhằm giúp người dân ổn định kinh tế gia đình, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới”, ông Chánh nhấn mạnh.
Vài năm trở lại đây, giá trị thịt cầy vòi hương trên thị trường rất cao và đầu ra khá ổn định. Hiện thương lái thu mua với giá 1,1 triệu đồng/kg cầy vòi hương thương phẩm, tăng hơn 100.000 đồng/kg so với vài tháng trước đây, còn chồn hương con được bán với giá 5 triệu đồng/cặp.
Chí Công
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.