Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 02/08/2017
Ngày cập nhật:
4/8/2017
Anh Trần Văn Triệu (áo kẻ) cùng công nhân lượm trứng gà.
Đó là chia sẻ của anh Trần Văn Triệu (sinh năm 1974) ở tổ dân phố 4B, phường Phố Cò, chủ trang trại chăn nuôi gà sinh sản lớn nhất, nhì T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên với chúng tôi trong lần đầu gặp gỡ. Với hệ thống chuồng trại kiên cố, hiện đại, hằng năm, trang trại của anh đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Triệu có quy mô hơn 1.500m2, nằm cách biệt với khu dân cư. Anh Triệu chia sẻ: Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới để thoát nghèo. Bởi thế, dù đã từng thất bại nhiều lần trong chăn nuôi nhưng sau mỗi lần ấy anh lại rút ra được nhiều kinh nghiệm và không nản chí trước mọi khó khăn.
Anh Triệu kể, năm 2003, anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT thành phố 30 triệu đồng để bắt tay vào chăn nuôi gà Tam Hoàng với số lượng 300 con. Tuy nhiên năm ấy, xảy ra dịch cúm gia cầm nên toàn bộ số gà trên của gia đình không mang lại nguồn thu nhập. Năm 2004, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để chuyển sang nuôi 15 con bò sinh sản. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh nên chỉ sau hơn 2 năm anh đã phải bán cả con giống để thu hồi lại vốn. Sau lần ấy, anh Triệu chuyển sang lái xe vận tải thuê cho doanh nghiệp và làm nhiều công việc khác để tích lũy vốn, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế gia đình.
Tận dụng lợi thế diện tích vườn đồi rộng, năm 2012, anh quyết định đầu tư chăn nuôi gà sinh sản và ấp, nở gà giống. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, anh đã xuống huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ) để mua giống gà bố mẹ. Từ đó đến nay, trang trại của anh luôn duy trì khoảng 6.000 con gà mái Lương Phượng và hơn 400 gà trống chọi. Khác với những hộ chăn nuôi gà trên địa bàn, vợ chồng anh Triệu chọn chăn nuôi trên lồng nhằm đảm bảo môi trường sống cao ráo, thoáng mát tạo điều kiện cho gà sinh nở. Tại 6 dãy chuồng lồng, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, khay đẻ trứng không chỉ được lắp đặt khoa học mà còn trang bị cả máy lạnh, máy sưởi để đảm bảo sức khỏe cho gà trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo anh Triệu, chăn nuôi theo hình thức chuồng lồng, chi phí bỏ ra cao hơn gấp đôi so với kiểu chuồng nền nhưng lại có ưu điểm là phù hợp với gà đẻ trứng công nghiệp, dễ dàng quản lý thức ăn, nước uống và dịch bệnh (đặc biệt là bệnh cầu trùng). Dù nằm cách xa khu dân cư nhưng để đảm bảo vệ sinh môi trường, khi gà được 1 ngày tuổi anh bắt đầu cho gà ăn thức ăn, nước uống có trộn men được bào chế từ các loại thảo dược và duy trì trong suốt quá trình nuôi dưỡng. Cùng với đó, hệ thống chuồng trại luôn được vệ sinh, phun thuốc khử trùng đều đặn hằng tuần.
Việc chăn nuôi gà sinh sản với anh Triệu, cũng cần sự chăm sóc tỉ mỉ, bởi thế, cứ rảnh thời gian nào là anh lại cùng công nhân có mặt ở trang trại để theo dõi tình hình của vật nuôi. Lịch ăn uống, tiêm phòng hay đẻ trứng của mỗi con gà đều được anh ghi chép rất cẩn thận và theo dõi sát sao. Một điểm khác nữa là, anh không để gà giao phối tự nhiên mà tiến hành thụ tinh cho gà mái nhằm mang lại hiệu quả cao. Hằng ngày, gà thường đẻ rộ trong khoảng thời gian từ 9-12 giờ nên sau khoảng thời gian này, cứ 3 ngày anh lại tiến hành thụ tinh cho gà một lần. Để đảm bảo việc thụ tinh cho gà đạt hiệu quả cao nhất, ngoài việc cho gà trống ăn uống theo một chế độ riêng, anh còn đầu tư mua máy kiểm tra tinh trùng, qua đó lựa chọn được con gà bố khỏe mạnh, cho ra đời những con giống đảm bảo chất lượng. Nhờ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ ấy mà đàn gà của gia đình anh Triệu luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Bình quân mỗi ngày thu trên 5.000 quả trứng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp con giống ngoài thị trường, năm 2013, anh Triệu đã đầu tư 7 máy ấp trứng (công suất 1.500 quả /máy) và 2 máy nở với số tiền trên 200 triệu đồng. Trung bình 1 tuần anh xuất 2 phiên con giống, mỗi phiên từ 2-2,5 vạn con cho các trang trại, gia trại ở một số huyện lân cận như: Phú Bình, Phổ Yên, Định Hóa và tỉnh Vĩnh Phúc. Với mô hình chăn nuôi này, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 700 triệu đồng/năm. Cùng với đó, trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động, với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. Anh Lưu Văn Danh (Phú Lương), công nhân làm việc tại trang trại cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Triệu còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho một số hộ dân có nhu cầu để cùng nhau phát triển kinh tế.
Với những thành quả hiện có, anh Trần Văn Triệu khẳng định: Mặc dù đã nhiều lần thất bại nhưng tôi luôn nỗ lực không ngừng để vươn lên làm kinh tế. Thời gian tới, tôi dự định sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại khoảng 500m2 để nhân rộng đàn gà sinh sản nhằm nâng cao thu nhập.
Trịnh Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.