• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người tiên phong đưa cây ớt chuông về đất Nam Ban

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 23/10/2017
Ngày cập nhật: 24/10/2017

Từ vườn cà phê lâu năm già cỗi, giá trị kinh tế không cao, anh Trường Xuân Kỳ (SN 1974, ngụ tại Tổ dân phố Từ Liêm 4, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đầu tư trồng ớt chuông mang lại thu nhập cao.

Vườn ớt chuông của gia đình anh Trường Xuân Kỳ. Ảnh: Văn Báu

Tháng 8/1992, anh Trường Xuân Kỳ cùng gia đình từ tỉnh Hà Nam vào lập nghiệp trên mảnh đất Lâm Đồng và chọn thị trấn Nam Ban làm nơi sản xuất và canh tác diện tích 8.000 m2 đất nông nghiệp. Ban đầu, gia đình anh trồng một số loại cây như cà phê, lúa nước, xen canh thêm dâu tằm và một số loại rau, hoa... Anh Kỳ chia sẻ: “Ngày đấy gia đình tôi chỉ mong có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình vì bản thân những cây đó giá trị không cao. Sau thời gian trồng những cây trên, năm 1998, tôi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi chuyển 4.500 m2 trồng cà phê sang trồng rau, hoa và đặc biệt chú trọng là trồng ớt chuông ứng dụng công nghệ cao, tôi thấy rất phấn khởi và hiệu quả mang lại ngoài sức tưởng tượng”.

Để tìm hiểu về cây ớt chuông, anh Kỳ phải sang huyện Đơn Dương, Đức Trọng để tìm gặp những chủ vườn có kinh nghiệm và kỹ năng trồng, xuất khẩu ớt chuông. Nói về giai đoạn đầu khi quyết định đưa giống ớt chuông về trồng ở mảnh đất nhà mình anh Kỳ cho biết: “Khó khăn của tôi trong bước đầu với cây ớt chuông là kinh nghiệm, trồng và chăm sóc chưa nắm bắt hết được nên tôi thấy rất vất vả”.

Sự cố gắng của anh và các thành viên trong gia đình càng được củng cố khi được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, từ đó cũng được dự án triển khai công nghệ, tư vấn cách trồng và chăm bón các loại rau hoa trong đó có đề cập đến ớt chuông. Theo anh Kỳ, việc chăm sóc cây dâu tằm và cà phê khác xa so với trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, bởi rau hoa là cây ngắn ngày chăm sóc phải cẩn thận, tỉ mỉ hơn, hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều so với cây truyền thống của địa phương.

Bắt tay vào trồng ớt chuông, gia đình anh Trường Xuân Kỳ phải bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư làm nhà kính, thiết kế mạng lưới tưới tiêu nhỏ giọt theo công nghệ nước ngoài. “So với cây trồng lâu năm thì tỉ lệ rủi ro thấp, còn riêng cây ngắn ngày tiêu biểu là cây ớt chuông thì tỉ lệ rủi ro cao, vì nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sẽ xuất hiện bệnh, năng suất sẽ giảm”, anh Kỳ cho hay.

Với mỗi 1.000 m2 nhà kính anh Kỳ đầu tư khoảng 200 triệu đồng, để đầu tư cho diện tích 4.500 m2 đất, gia đình anh Kỳ phải bỏ ra hơn 800 triệu đồng. Những đầu tư mạnh tay của anh nhưng đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Năm 2012, vườn ớt chuông của anh Kỳ cho thu nhập lứa đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc lại gặp sâu bệnh nên thu nhập không được cao. Để có được quả ớt chuông là chuyện khó nhưng để vận chuyển ớt ra cho thương lái ở TP Đà Lạt là điều hết sức khó khăn vì ngày đó xe cộ ít. “Chính vì gian nan nên đôi khi tôi nghĩ bỏ cuộc giữa chừng, được sự động viên an ủi phía gia đình nên tôi tiếp tục cố gắng trau dồi kinh nghiệm và tự bản thân tìm tòi, học hỏi và cuối cùng thành công đã mỉm cười với tôi”, anh Kỳ vui mừng chia sẻ.

Nối tiếp thành công, anh Kỳ còn tạo ra cây giống ớt chuông để trồng trên giá thể khu vườn của gia đình mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều người địa phương và các xã lân cận đến học hỏi kinh nghiệm từ anh và họ cũng đặt mua giống ớt chuông của gia đình. Ngoài ra, vườn ớt chuông còn tạo công ăn việc làm cho một số người trong vùng.

Hiện tại, trong vườn nhà anh Nguyễn Xuân Kỳ có 3 loại ớt chuông là: ớt xanh, ớt Mỹ và ớt Hà Lan. Cầm quả ớt chuông trên tay anh Kỳ nói, yếu tố để quyết định thắng lợi đó là đầu ra và giá cả thị trường, nhưng vấn đề đó đã được giải quyết, nhiều nơi đặt hàng mà anh Kỳ không kịp thu hoạch để bán. Hộ anh Kỳ trồng ớt chuông mỗi năm 1 vụ, sau 3 tháng phát triển từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng được 7 tháng.

Hiện tại, thương lái thu mua ớt tại gia đình anh Kỳ là trên dưới 20.000 đồng/kg, có những thời điểm giá ớt chuông lên tới 30.000 đồng, đợt cao điểm là 40.000 đồng, theo dự đoán của anh Kỳ thì vụ này gia đình anh phải thu từ 70-80 tấn ớt chuông và bán giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg thì gia đình anh thu về hơn một tỉ đồng.

Ông Nguyễn Phúc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà cho biết: “Anh Trường Xuân Kỳ là người đi đầu của thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao và đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, là nơi để bà con muốn trồng loại cây này tới tham quan, học hỏi cũng như chia sẻ giống, kinh nghiệm. Địa phương cũng đang có những định hướng nhân rộng và phát triển nhằm đảm bảo chất lượng. Nhờ trồng ớt chuông công nghệ cao, không những giúp gia đình anh Kỳ có thu nhập ổn định mà còn giúp cho người dân địa phương của thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà vươn lên, làm giàu.

VĂN BÁU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang