• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Lo ngại mía ngã thấp chữ đường

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 06/12/2017
Ngày cập nhật: 8/12/2017

Nông dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) chăm sóc mía ngã đổ

Bão số 12 vừa qua làm hơn 20.284ha mía tại các địa phương trong tỉnh Phú Yên bị ngã đổ. Sau bão, nông dân khôi phục mía ngã bằng cách dựng, buộc ngọn mía tạo thế đứng cho cây. Tuy nhiên, nhiều vùng do mía ngã đổ sát đất, thân mía ra rễ non, nguy cơ đến mùa thu hoạch thấp chữ đường.

Dọc các vùng gò đồi các xã An Nghiệp, An Lĩnh (huyện Tuy An), nông dân bỏ công sức khôi phục lại mía ngã đổ sau bão số 12. Ông Trần Hay ở xã An Nghiệp đang dựng lại mía ngã, chia sẻ: Tôi phải chịu khó lội vào chỗ mía ngã, túm 3-4 cây buộc lại tạo thế đứng. Chỗ nào mía tốt ngã rạp thì phải cắt bớt lá, thời gian sau cây mía mới “ngồi” lại được. Còn bà Phan Thị Hằng ở xã An Lĩnh, cho hay: Mía ngã, bỏ công sức dựng lại cho đứng rất nhọc công. Trước hết phải mặc áo mưa để lá mía không bị cắt, sau đó chịu khó bó 3 cây tạo thành một bụi cho mía có thế đứng, có người bó 8-10 cây thành bụi, về sau cây mía cầm chừng không phát triển.

Trên địa bàn TX Sông Cầu, mía ngã đổ, ngập do nước từ các suối đổ ra là 321ha. Trong đó, xã Xuân Lâm có mía ngã đổ thiệt hại 50% là 40ha. Bà Trần Thị Thu, nông dân ở xã Xuân Lâm, cho biết: Mía nhà tôi ngã lấn ra đường nội đồng, người đi qua lại đạp gãy, tôi phải chặt tre vát ra đào lỗ trồng trụ nẹp thành hàng rào, dựng mía đứng lên về phần đất nhà mình.

Trong số các địa phương thiệt hại thì huyện Sơn Hòa có diện tích mía ngã đổ nhiều nhất với hơn 13.415ha. Vùng mía rộng bạt ngàn dọc quốc lộ 25, từ xã Suối Bạc qua Ea Chà Rang lên xã Krông Pa bị gió bão quật ngã trải dài. Ông Bùi Văn Quốc ở xã Ea Chà Rang, cho hay: Gia đình tôi có trên 1ha mía ngã đổ. Ngày nào tôi cũng bỏ công ra cắt lá mía tận dụng cho bò ăn, sau đó đỡ mía đứng dậy. Tuy nhiên do mía ngã đổ quá nhiều nên cắt không xuể; có đám mía ngã nằm dài dưới đất, thân mía ra rễ non, cây mía đó sẽ bị xốp ruột giảm chữ đường. Đó là chưa kể chỗ mía trúng luồng gió bị gãy nách lá, mía rũ xuống.

Còn tại huyện Sông Hinh, diện tích mía ngã đổ lên đến 4.073ha, thiệt hại lên đến 134 tỉ đồng. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, đối với mía ngã lưu gốc thường bị trổ cờ; một khi cây mía trổ cờ thì bị xốp ruột, không chỉ nhẹ ký mà còn rất thấp chữ đường. Còn mía tơ, có đám mía ngã quấn lại với nhau, cây mía yếu, không vươn lóng dài được, đồng nghĩa giảm năng suất, thấp chữ đường.

Bão số 12 quật ngã 854ha mía tại huyện Đồng Xuân. Vùng trồng mía các xã Xuân Phước, Xuân Quang 2 bị ngập lụt ngã đổ trên 295ha. Nông dân Phạm Hữu ở xã Xuân Quang 2, đi thăm mía than vãn: Mía nhà tôi trồng ở ngoài soi gần sông Cái (sông Kỳ Lộ), mưa bão, mía ngập lụt muối bùn nên khó gượng dậy được. Do vậy, vụ mía này chiều cao cây thấp, giảm năng suất. Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Nhiều diện tích mía ngã tréo, ngã tró theo hướng gió xoáy. Sau bão, bà con nông dân khắc phục một phần bằng cách vun gốc, còn lại số diện tích trồng sớm, cây mía cao 2m (tính cả phần ngọn) ngã đổ không thể dùng cách này thì về sau sẽ mất chữ đường.

ThS Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Giải pháp khôi phục sản xuất đối với cây mía là bà con nông dân tiêu thoát nước nơi ngập úng, dựng lại cây, buộc giữ phần ngọn thành từng khóm 3-5 cây tạo thế đứng cho cây, đồng thời vun cao gốc để hạn chế đổ, kết hợp với bón thúc ở những ruộng mía chưa bón phân thúc ngay sau khi nước rút.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thiệt hại về cây trồng trong cơn bão số 12 tại hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp cùng địa phương vận động nhân dân khẩn trương khôi phục sản xuất. Đối với cây mía, ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con khắc phục tình trạng ngã đổ sau bão, có giải pháp khôi phục từng vùng, từng địa phương để giảm thiểu tình trạng mía mất năng suất, thấp chữ đường...

LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang