• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây dược liệu làm đổi thay đời sống người dân vùng cao

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 15/12/2017
Ngày cập nhật: 16/12/2017

Tỉnh Lào Cai hiện có gần 1.000 ha cây dược liệu được trồng tập trung tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương. Những năm gần đây, cây dược liệu đã đem lại nguồn thu ổn định cho người dân vùng cao; nhiều hộ nhờ đó mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, tỉnh Lào Cai xác định, dược liệu là một trong những cây trồng có tiềm năng phát triển và đem lại giá trị kinh tế cao. Do đó, tỉnh đã sớm quy hoạch vùng trồng, lựa chọn các chủng loại cây dược liệu phù hợp điều kiện tự nhiên và có thế mạnh về thị trường tiêu thụ; đồng thời, ban hành các chính sách để phát triển mở rộng quy mô diện tích cây dược liệu.

Thu nhập cao từ trồng cây dược liệu

Nhiều năm nay, nông dân xã Lùng Phình (Bắc Hà) đã chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh. Ông Ma Seo Vần, thôn Túng Súng, xã Lùng Phình, cho biết: Năm 2012, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã và huyện, gia đình ông mạnh dạn đưa cây atiso vào trồng thay thế cây ngô với diện tích 7.000 m². Đây là loại cây dễ trồng và chăm sóc, thu hoạch cả lá, thân, củ và hoa nên đã đem lại nguồn thu đáng kể. Với diện tích atiso trên, mỗi năm gia đình thu 60 - 70 triệu đồng. So với trồng ngô, trồng cây atiso cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần. Nhờ cây atiso mà kinh tế gia đình đã ổn định hơn.

Ông Ma Seo Diu, Chủ tịch UBND xã Lùng Phình cho biết, là một trong 8 xã của huyện Bắc Hà nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu có sự liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý). Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, lại được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây dược liệu gồm atisio, đương quy, cát cánh, đan sâm... trồng ở Lùng Phình phát triển tốt; hiệu quả kinh tế đạt cao, gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô, lúa. Hiện nay, ngoài cây atiso, xã xác định cây đương quy cũng là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần tạo thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nên chính quyền xã đang vận động nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích từ 24 ha hiện nay lên hơn nữa trong những năm tới.

Cũng là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu của huyện Bắc Hà, cuối năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình 30a, xã Bản Già đã hỗ trợ cho 8 hộ dân trồng 2,8 ha cây đương quy. Với việc chăm sóc kỹ lưỡng, cây đương quy trồng ở Bản Già phát triển tốt, mỗi ha đương quy người dân bán củ thu về trên 100 triệu đồng. Cây dược liệu mặc dù mới đưa vào trồng ở xã Bản Già với diện tích còn khá khiêm tốn, nhưng theo đánh giá đây là loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Được biết, xã Bản Già sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón cho nhân dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, nhằm mở rộng diện tích, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Nông dân chăm sóc cây dược liệu.

Đến nay, huyện Bắc Hà có gần 100 hộ tham gia trồng cây dược liệu, với tổng diện tích gần 53 ha, trong đó tập trung phát triển 4 loại cây chính là stiso, đương quy, đan sâm, cát cánh. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, huyện Bắc Hà có gần 100 ha cây dược liệu, địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ người dân về kỹ thuật và giống, phân bón; đồng thời có cơ chế thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng dây chuyền sơ chế, chế biến dược liệu, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng dược liệu.

Không chỉ Bắc Hà, mà các huyện Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn cũng nằm trong vùng quy hoạch trồng cây dược liệu của tỉnh. Tại huyện Sa Pa, nhiều năm qua, cây dược liệu được xác định là cây trồng chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển thương mại và du lịch. Nhiều loại cây trồng mới được đưa vào thử nghiệm thành công, do đó diện tích cây dược liệu ở Sa Pa ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện Sa Pa có gần 110 ha trồng cây dược liệu các loại, trong đó có 65 ha cây atiso. Đây là một trong những cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định nhiều năm, bởi sau khi trừ chi phí người trồng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.

Đưa Lào Cai thành vùng dược liệu lớn

Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Lào Cai có nguồn giống và có thể trồng được nhiều loại cây dược liệu đa dạng, phong phú. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Đặc biệt, các quần thể cây thuốc quý có giá trị y dược rất cao nằm trong hệ thực vật của dãy Hoàng Liên Sơn, như sâm hoàng liên, bình vôi, tam thất hoang, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng…

Lào Cai có tiềm năng cây dược liệu phong phú, đa dạng.

Thấy được tiềm năng và giá trị của cây dược liệu, trong thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn và quy hoạch vùng trồng một số loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù; đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 ha cây dược liệu bao gồm atiso, đương quy, chè dây, xuyên khung, tam thất, ý dĩ, hồi, sa nhân tím, đan sâm, cát cánh, phòng phong, bạch truật... trồng tập trung tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa chế biến cây dược liệu.

Cũng từ chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây dược liệu, nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với nông dân trồng và tiêu thụ sản phẩm dược liệu sau thu hoạch. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa liên kết với các hộ dân Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát sản xuất và tiêu thụ 5 loại gồm actiso, đương quy, đan sâm, giảo cổ lam, chè dây, với diện tích khoảng 120 ha, sản lượng trên 2.700 tấn/năm; Công ty Cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa - SAPANAPRO liên kết sản xuất với các hộ dân xã Tả Phìn (Sa Pa) gồm 72 ha cây thuốc tắm của người Dao, với sản lượng khoảng 70 tấn/năm; Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam liên kết với huyện Bắc Hà, Bát Xát sản xuất và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm trồng trên diện tích hơn 400 ha, với khoảng 20 loại cây dược liệu; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Tài Nguyên Xanh đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn và phát triển các loại cây thuốc quý đặc hữu vùng núi cao Sa Pa và du lịch sinh thái cộng đồng (FANSI-ECO) tại xã Tả Van (Sa Pa).

Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 duy trì và phát triển vùng trồng cây dược liệu ổn định với quy mô 1.900 ha, bao gồm đương quy, xuyên khung, atiso, bạch truật, tam thất, sa nhân tím... Theo đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp dược liệu; ưu tiên nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, chọn tạo phát triển giống dược liệu mới; đẩy mạnh thực hiện liên kết “4 nhà” để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín; mở rộng vùng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu bền vững và gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Với hướng đi này, tỉnh Lào Cai đưa cây dược liệu trở thành cây trồng chủ đạo thúc đẩy tái cơ cấu nông - lâm nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

VIẾT VINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang