Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 4/7/2018
Ngày cập nhật:
6/7/2018
Vụ xuân hè 2018, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có 2.994,16 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đối với con nuôi chủ lực, toàn huyện đã thả nuôi được 102 triệu con tôm sú và 210 triệu con tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, NTTS vụ xuân hè đang trong giai đoạn quản lý, chăm sóc.
Chăm sóc tôm thẻ chân trắng ở xã Quảng Nham (Quảng Xương).
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, như: Nắng nóng, mưa dông, môi trường trên các tuyến sông tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt gây bất lợi cho NTTS nước mặn, lợ, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh, giảm thiểu những rủi ro do thời tiết, môi trường tác động đến động vật thủy sản, nhất là đối tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng, phòng NN&PTNT yêu cầu UBND các xã triển khai, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân NTTS thường xuyên duy trì mực nước ao, đồng nuôi phù hợp. Đối với đồng nuôi nước lợ, đáy ao đất mực nước tối thiểu 1m trở lên và ao đồng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh nước mặn, lợ đáy lót bạt có mực nước tối thiểu 1,5 m trở lên; lựa chọn nước sạch để đưa vào ao chứa lắng và bổ sung vào đồng nuôi. Những vùng khó khăn trong việc thay nước, tăng cường sử dụng các loại men vi sinh, các chất cải tạo đáy đồng. Trong nuôi quảng canh cải tiến, nếu thấy cần thiết thì cho tôm ăn thêm thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến có bổ sung các vitamin và khoáng chất để tôm nuôi tăng sức đề kháng. Thường xuyên kiểm tra và nắm chắc tình hình diễn biến trong ao đồng nuôi, nếu động vật nuôi có dấu hiệu bất thường, hoặc nếu ao đồng nuôi có hiện tượng tôm chết thì thực hiện đóng chặt cống, không được tháo nước trong đồng nuôi và vứt xác động vật thủy sản chết ra môi trường xung quanh, tránh lây lan dịch bệnh. Kiểm tra và thu hoạch tỉa tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế rủi ro do dịch bệnh cũng như thời tiết bất lợi gây ra.
Theo kế hoạch, vụ xuân hè năm 2018 toàn tỉnh thả nuôi 19.300 ha, trong đó, nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha; nước ngọt 11.600 ha, phấn đấu đạt sản lượng 53.720 tấn thủy sản. Với diện tích hơn 4.000 ha nuôi tôm quảng canh, 300 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong vụ xuân hè các hộ nuôi thả 250 triệu con giống tôm sú và 600 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Do mùa đông lạnh, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh rất khó khăn trong việc sản xuất tôm giống, vì vậy mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu giống tôm sú và 25% nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng, số còn lại đều phải di nhập từ các tỉnh phía Nam.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, góp phần phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh, các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống... đang tập trung tổ chức kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống, điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất giống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng trong quá trình sản xuất giống. Việc di nhập giống bố mẹ, con giống về các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Đối với tôm giống thả nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn, tôm sú từ PL15, tôm chân trắng PL12 trở lên. Quản lý thả nuôi ngao trong vùng quy định, nơi có đủ điều kiện tốt cho ngao sinh trưởng. Không nuôi ở nơi nước nông có thời gian phơi bãi quá 4 tiếng/ngày, không nuôi vùng quá gần cửa sông do môi trường bị thay đổi đột ngột trong mùa mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm từ sông đổ ra. Tổ chức phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh tại các vùng NTTS. Khi phát hiện ao đầm NTTS có dấu hiệu bị mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân thì báo ngay cho trạm thú y địa phương tổ chức xử lý, không để lây lan ra diện rộng. Đối với các hộ NTTS tổ chức quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, không cho ăn dư thừa để tránh lãng phí về thức ăn và ô nhiễm môi trường ao đầm nuôi. Hàng ngày theo dõi, kiểm tra hoạt động của vật nuôi, màu sắc, lượng thức ăn... các yếu tố môi trường, như: Độ mặn, PH, màu nước, NH3, NO2, NO3... để có biện pháp xử lý kịp thời khi có biến động. Định kỳ bổ sung vitaminC, vitamin tổng hợp với các loại khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi; dùng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ, vô cơ có hại trong ao nuôi làm giảm thiểu ô nhiễm, chất độc trong ao, hạn chế các mầm bệnh phát triển.
Bài và ảnh: Hải Đăng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.