Nguồn tin: Tổng Cục Thủy Sản, 09/07/2018
Ngày cập nhật:
10/7/2018
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường tôm sú tương đối ổn định: Tôm sú ướp đá nguyên liệu loại 30 con/kg có giá 170.000-190.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000-150.000 đồng/kg , khá ổn định kể từ đầu năm. Thị trường tôm chân trắng sau thời gian biến động giảm, hiện đang có dấu hiệu cải thiện.
Ảnh minh họa
Từ tháng 4 đến giữa tháng 6, giá tôm giảm do nguồn cung cao
Từ tháng 4 đến giữa tháng 6, giá tôm sụt giảm (khoảng 20-30% tùy cỡ). Tháng 4: Tôm chân trắng cỡ 60-70 con/kg giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 3, xuống còn 110.000-120.000 đồng/kg; Cỡ 100-110 con/kg cũng giảm 15.000-20.000 đồng/kg, xuống còn 85.000-90.000 đồng/kg. Sang tháng 5, giá tôm không cải thiện mà tiếp tục giảm tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Tại Sóc Trăng, tôm chân trắng loại 100 con/kg chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, tôm chân trắng loại 60 con/kg có giá rất thấp, xấp xỉ 100.000 đồng/kg. Thậm chí, giá tôm chân trắng tại Bến Tre còn được nhận định là thấp nhất trong vòng 5 năm qua (giảm hơn 30.000 đồng/kg so với năm 2017).
Giá tôm sụt giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, lượng tồn kho ở các thị trường tương đối nhiều trong khi sức tiêu thụ của thị trường không như dự kiến. Cùng với đó, việc các nước được mùa, cung ra thị trường lớn, trong khi tăng trưởng chung về nhu cầu vẫn dừng ở mức 5% như mọi năm; thị trường Trung Quốc chuyển hướng tiêu thụ tôm cỡ nhỏ nhiều hơn cũng là nguyên nhân khiến giá tôm trên thế giới giảm.
Giá tôm Việt Nam giảm theo vòng xoay của giá tôm thế giới và sự mất cân đối cung-cầu. Thông thường, từ tháng 1-5, nhu cầu thị trường còn ở mức thấp nên các nhà nhập khẩu chờ giá giảm sâu mới bắt đầu thu mua. Trong khi, một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia năm nay vào vụ thu hoạch sớm, sản lượng dồi dào nên đã giảm giá để bán được hàng khiến giá tôm càng giảm sâu, tác động đến giá tôm tại Việt Nam.
Việc các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador được mùa khiến nguồn cung thế giới tăng 15%, trong khi nhu cầu tăng không đáng kể. Hơn nữa, giá tôm giảm mạnh còn do tồn kho cao cuối năm 2017 ở các nước được mùa; việc tiêu thụ tôm giảm cũng đẩy lượng tồn kho tăng cao khiến giá tôm thế giới đồng loạt giảm trong thời gian qua (nhất là tháng 4 và tháng 5).
Hiện giá đã tăng trở lại
Sau thời gian giảm sâu, giá tôm chân trắng đã có dấu hiệu phục hồi. Tôm chân trắng cỡ 100 con/kg đã tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ nuôi tôm có lãi 5.000-10.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá tôm nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng trở lại. Tại Bạc Liêu, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg đã tăng 10.000 đồng/kg (đạt 80.000 đồng/kg); loại 20 con/kg có giá 194.000-196.000 đồng/kg; loại 60 con/kg giá 105.000-106.000 đồng/kg.
Tôm sú tăng khoảng 15.000 đồng/kg. Tôm sú loại 20 con/kg được thu mua với giá 320.000-322.000 đồng/kg; loại 60-70 con/kg có giá 130.000-160.000 đồng/kg.
Tôm nguyên liệu tăng giá giúp các hộ nuôi tôm có lãi sau nhiều tháng thua lỗ.
Dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ cải thiện
Dự báo, giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, khi Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số quốc gia khác đã qua thời điểm thu hoạch rộ. Nhu cầu tăng lên từ các thị trường nhập khẩu sẽ khiến giá tôm dự kiến tăng vào khoảng tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó, việc người dân hạn chế thả nuôi, làm giảm nguồn cung, cũng khiến giá tôm nguyên liệu có thể tăng trong các quý tiếp theo.
Trong bối cảnh giá tôm như hiện nay, để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, các hộ nuôi được khuyến cáo không nên bỏ ao, mà duy trì thả nuôi (tôm chân trắng, tôm sú) với mật độ thưa hơn giúp giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục. Người nuôi tôm cần áp dụng công nghệ mới, nuôi theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị (từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm) để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ tết quan trọng cuối năm 2018. Vì vậy, dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Doanh nghiệp được khuyến cáo tập trung phát triển mặt hàng giá trị gia tăng, chất lượng cao để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp vì các sản phẩm này bán được giá cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Việt Nam sẽ chớp cơ hội về thị trường.
Trong tháng 6, Hội nghị bàn về các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững đã được tổ chức tại Bạc Liêu với sự tham gia của 6 tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu long. Kết quả: Đã nhận diện được nguyên nhân khiến giá tôm chân trắng giảm trong thời gian qua và tìm ra giải pháp tổ chức sản xuất bền vững trong thời gian tới.
Việt Nam đã chịu tác động của đợt giảm giá tôm nhưng đợt giảm giá này sẽ dừng lại. Từ nay đến cuối năm sẽ là thời điểm để Việt Nam chớp cơ hội về thị trường vì dự báo nguồn cung của các nước trên thế giới giảm.
Ngọc Thúy-FICen
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.