Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 11/07/2018
Ngày cập nhật:
12/7/2018
Nhằm giảm thiểu tối đa hao hụt tôm giống, hạn chế dịch bệnh và đặc biệt là nâng cao chất lượng tôm nuôi, vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng…
Người dân kiểm tra hệ thống sục khí và nguồn nước trước khi thả tôm giống
Trước đây, anh Lê Văn Linh trú tại thôn 2, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức lót bạt cao triều với 2 hồ nuôi có tổng diện tích 7.000 m2 . Với phương thức nuôi truyền thống này, tỉ lệ hao hụt tôm giống khá cao. Đầu năm 2018, anh Linh tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông và được nhiều người bạn nuôi tôm ở miền Nam tư vấn về mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Để triển khai mô hình, anh huy động 450 triệu đồng đầu tư xây dựng ao hồ, hệ thống sục khí, xử lý nước, phát điện… Đầu tháng 6/2018, anh Linh thả nuôi 600.000 con tôm giống vào ao ươm (giai đoạn 1) có diện tích 420m2 . Theo lịch thời vụ, khoảng 25-30 ngày ươm, tôm giống sẽ được thả ra hồ nuôi lớn (giai đoạn 2). Theo anh Linh, kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn cũng giống phương thức nuôi truyền thống, chỉ có khác là với mô hình nuôi 2 giai đoạn, tôm giống khi nhập về sẽ không thả trực tiếp ra hồ lớn ngay mà phải nuôi khoảng 1 tháng trong ao ươm để dễ chăm sóc, quản lý thức ăn, nguồn nước, tăng cường hệ miễn dịch của tôm… Sau khoảng 1 tháng ươm, tôm giống sẽ được thả ra hồ nuôi với tỷ lệ hao hụt rất thấp.
Cũng giống anh Linh, cách đây hơn 2 tháng trước, anh Hoàng Thế Vinh trú tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng ao hồ, cơ sở hạ tầng rộng 450m2 để nuôi tôm theo mô hình 2 giai đoạn. “Tôi nuôi tôm từ năm 2004 đến nay. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi 2-3 vụ trên 2 hồ với tổng diện tích mặt nước 1.600 m2 . Nuôi tôm theo hình thức lót bạt cao triều truyền thống có nhược điểm là thả tôm giống ra diện tích mặt nước lớn nên khó quản lý, chăm sóc tôm con và khó kiểm soát lượng thức ăn. Ngoài ra, với 2.500 m3 nước/ hồ nên mỗi khi xử lý nguồn nước thường rất tốn kém. Nếu thả tôm giống vừa nhập về ra hồ lớn thì phải tốn 2,5kg men vi sinh/hồ, trong khi thả tôm giống ra ao ươm thì chỉ tốn khoảng 100g men vi sinh”, anh Vinh nói.
Cơ sở của anh Vinh có 2 ao ươm tôm giống nổi, diện tích 120m2 /ao, mỗi ao có chiều cao 1,2 m. Với phương pháp này, sau khi ươm ở ao khoảng 1 tháng, tôm giống sẽ được thả trực tiếp ra hồ lớn thông qua ống xả mà không cần phải dùng lưới, rớ kéo lên rồi vận chuyển nên tỉ lệ hao hụt tôm được hạn chế tối đa. Nói về lợi ích của mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, anh Vinh cho hay: “Nuôi tôm theo mô hình 2 giai đoạn có 3 lợi ích chính. Đầu tiên là về con giống, khi thả tôm giống vào ao ươm có diện tích nhỏ sẽ dễ quản lý về sức khỏe, dịch bệnh. Tôm giống cũng ít chịu ảnh hưởng, tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài. Tiếp đến, nguồn nước ao ươm luôn được vệ sinh sạch sẽ, nhiều ôxi, dễ thay mới. Cuối cùng là tiết n, công sức cũng như chi phí thay nước, kiệm đáng kể về thời gian pha chế men vi sinh cho tôm nuôi…”.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn tỉnh đã nuôi được 800 ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Kế hoạch của tỉnh trong năm 2018 sẽ phát triển diện tích tôm nuôi lên 1.100 ha. Theo Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phan Văn Hòa, để nâng cao chất lượng tôm nuôi, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. “Điều đầu tiên phải chú trọng là chất lượng con giống. Người nuôi cần lựa chọn tôm giống ở những nơi sản xuất uy tín, có dấu kiểm dịch. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích người dân triển khai các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để giảm thiểu sử dụng hóa chất, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng tôm nuôi như mô hình nuôi thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học và mô hình 2 giai đoạn. Hiện nay, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn đã được triển khai ở huyện Triệu Phong và Gio Linh, còn mô hình nuôi tôm theo công nghệ sinh học thì đang trong quá trình hoàn thiện”, ông Hòa cho biết.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn được người dân và ngành chức năng kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay, mô hình mới triển khai ở giai đoạn đầu nên người nuôi tôm mong muốn được Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các cấp tạo điều kiện về kỹ thuật, nguồn vốn để họ phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng của mô hình. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần sớm có giải pháp, chính sách cụ thể để động viên, hỗ trợ đối với những mô hình mới này. Từ đó, người dân mới có thể yên tâm sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng tôm nuôi và góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Trần Tuyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.