• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản

Nguồn tin: Báo Yên Bái, 11/7/2018
Ngày cập nhật: 13/7/2018

Là tỉnh có nhiều lợi thế nuôi trồng và sản xuất các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng có nguồn gốc từ thủy sản, bình quân mỗi năm, Yên Bái đánh bắt khai thác gần 8.500 tấn thủy sản các loại, giá trị mang lại trên 255 tỷ đồng.

Nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đang phát triển mạnh. Ảnh: Thanh Miền

Tuy nhiên, quá trình phát triển đang bộc lộ những hạn chế từ con giống, kỹ thuật chăn nuôi đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và sau thu hoạch.

Với trên 26.000 ha mặt nước, trong đó có 21.000 ha đủ điều kiện để phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, hàng năm, tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển thủy sản, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống, hạ tầng, vốn và cho thuê mặt nước để người dân, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, chăn nuôi thủy sản phát triển không ngừng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 2.425 ha, tăng 1,77% so với năm 2016.

Trong đó, diện tích nuôi cá đạt 2.400 ha, diện tích nuôi các loài thủy sản khác và sản xuất giống 25,5 ha. Toàn tỉnh hiện có trên 800 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Trong đó, có 270 cơ sở nuôi cá lồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Bình, Trấn Yên; 491 cơ sở nuôi giống tập trung ở huyện Văn Chấn, 13 cơ sở kinh doanh giống thủy sản, 11 cơ sở sản xuất cá giống... Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2017 đạt trên 8.496 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt trên 904 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt trên 7.592 tấn.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản nhưng việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản của tỉnh còn hạn chế.

Các mặt hàng thủy sản sản xuất từ các cơ sở sản xuất của tỉnh chưa đáp ứng đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Phương thức bảo quản, chế biến các mặt hàng thủy sản còn nhiều bất cập, làm giảm giá trị của sản phẩm.

Việc ứng dụng các kỹ thuật chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung còn bất cập, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản chưa phù hợp nên giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng so với tiềm năng phát triển của tỉnh. Vì thế, sản phẩm hàng hóa thủy sản tạo ra khó tiêu thụ, giá thành thấp. Ví như, sau khi xây dựng được các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo lượng hàng hóa lớn thì giá thành sản phẩm thủy sản truyền thống tại tỉnh lại rớt giá, khó tiêu thụ.

Cụ thể là năm 2017, giá cá trắm đen tại tỉnh đã giảm xuống còn 80.000 - 100.000 đồng/kg, chép 40.000 - 50.000 đồng/kg, diêu hồng 30.000 - 35.000 đồng/kg, rô phi đơn tính 30.000 - 33.000 đồng/kg mà còn không có người mua.

Anh Trần Ngọc Phương cho cá ăn bằng máy.

Xã Vân Hội, huyện Trấn Yên được biết đến là địa phương có tiềm năng nuôi thủy sản với 300 ha đầm, hồ và trên 50 ha ao nuôi đã giúp cho người dân nơi đây vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu bằng nghề nuôi thủy sản. Tuy nhiên, những năm qua, người nuôi thủy sản ở Vân Hội không có thị trường đầu ra ổn định mà hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Gia đình anh Trần Ngọc Phương ở thôn 6 có 5 ao nuôi cá với diện tích gần 2 ha gồm các loại: chép, rô phi, trắm cỏ. Tất cả các ao nuôi được lắp hệ thống máy sục khí, máy cho cá ăn tự động.

Anh Phương cho biết: "Muốn sản phẩm thành hàng hóa, được người tiêu dùng lựa chọn thì phải đầu tư khoa học kỹ thuật. Mặc dù mỗi lần kéo cá có thương lái đến tận ao bắt nhưng giá cả không ổn định, có khi còn bị ép giá nhưng không có đầu ra nào khác nên vẫn phải bán. Có khi cá đến kỳ xuất bán nhưng chưa có thương lái mua thì vẫn phải nuôi tiếp”.

Mặc dù thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng đã hình thành các chuỗi liên kết nuôi trồng, thu mua và chế biến sản phẩm thủy sản nhưng mới chỉ dừng ở khâu cung cấp đầu vào là sản phẩm thô và sơ chế trong khi giá trị gia tăng đối với mặt hàng thủy sản lại chủ yếu do khâu chế biến, đóng gói và hoạt động thương mại mang lại.

Hiện tại, hầu hết các cơ sở nuôi cá tại Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Gần 8.500 tấn thủy sản đánh bắt và khai thác hàng năm trên địa bàn tỉnh hầu như phụ thuộc vào thị trường tự do trong tỉnh, chưa thiết lập được các kênh tiêu thụ đến các thị trường lớn; chưa xây dựng được các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng chưa nhận được nhiều hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan chức năng trong việc kết nối, hợp tác giữa các bên. Trong điều kiện tái cơ cấu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, quá trình sản xuất phải được tổ chức theo chuỗi. Hình thành mô hình liên kết, từ khâu đầu vào của sản xuất, đến sản xuất và khâu đầu ra cho sản phẩm là giải pháp cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ổn định, hiệu quả.

Hợp tác xã (HTX) Tổng hợp Thủy sản xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình hiện có 11 thành viên, được giao quản lý gần 30 ha mặt nước hồ Thác Bà. HTX chuyên nuôi các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: ngạnh, lăng. Hiện nay, HTX đang có 36 lồng, thu nhập mỗi lồng ước đạt gần 600 triệu đồng. Mặc dù HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Văn Thư - Giám đốc HTX cho biết: "Chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên bằng việc đến các nhà hàng mời chào. Hiện nay, HTX đang cung cấp cho một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái, tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội. Với số lồng nuôi hiện tại thì cung cấp cho các nhà hàng còn không hết mà hiện HTX đang đóng thêm 30 lồng để mở rộng diện tích nuôi. Tuy có tiềm năng lợi thế về diện tích mặt nước và các thành viên cũng muốn phát triển thêm lồng nuôi nhưng điều chúng tôi băn khoăn là đầu ra cho sản phẩm”.

Phát biểu tại Hội thảo "Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” tổ chức tháng 6 vừa qua, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: "Yên Bái cần xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản khép kín nhằm tạo ra được một sản lượng nhất định, sản phẩm nuôi đạt tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc đa dạng hóa loài nuôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả trong ngành thủy sản; xây dựng mô hình chuỗi sản xuất thủy sản từ thức ăn, con giống đến ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm tại Yên Bái là rất cần thiết, qua đó phát triển bền vững nhằm nâng cao sản lượng và bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản”.

Hồng Duyên

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang