Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 18/7/2018
Ngày cập nhật:
20/7/2018
Cùng với việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã triển khai có hiệu quả mô hình nuôi cá chiên lồng trên sông Lô tại thôn Hợp Long 2 theo hướng hàng hóa thu nhập cao.
Ông Phạm Văn Nghĩa (bên phải), thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên có 4 lồng cá, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng.
Gia đình ông Phạm Văn Nghĩa, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên là 1 trong 26 hộ tham gia dự án nuôi cá chiên trên sông Lô từ năm 2014 với 4 lồng cá. Sau vài năm nuôi thử nghiệm, đến nay ông đã thành thục trong kỹ thuật chăm sóc cá, phòng trừ dịch bệnh, cá lớn nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Ông cho biết: Cá chiên dễ nuôi, ăn ít, từ tháng 3 đến tháng 8 cá nhanh lớn, khoảng 2 đến 3 ngày mới cho cá ăn một lần; mùa đông, cá chậm lớn thì 7 -10 ngày mới phải cho ăn. Hiện nay, 1kg cá chiên thịt có giá từ 450.000 - 500.000 đồng. Hàng năm, trừ chi phí gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.
Gia đình ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long đầu tư nuôi cá lồng từ năm 2014, hiện gia đình có 3 lồng cá. Hai năm đầu chưa có lãi, còn đọng vốn, nhưng đến hai năm tiếp theo, cá xuất bán bắt đầu thu hồi vốn và sinh lãi, kinh tế gia đình dần ổn định, phát triển. Mỗi lồng sau 2 năm chăn thả trừ chi phí lãi khoảng 60 triệu đồng.
Năm 2016, anh Đặng Văn Giang, thôn Hợp Long được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa, anh mạnh dạn đầu tư 2 lồng nuôi cá chiên thương phẩm. Anh Giang chia sẻ, gia đình anh thuộc diện cận nghèo. Nhà có 6 nhân khẩu, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên việc đói lúc giúp hạt gần như thường xuyên. Hiện cá sắp đến ngày thu hoạch, trừ chi phí ước tính cũng lãi khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ giúp anh trả được nợ ngân hàng và cuộc sống gia đình anh sẽ bớt khó khăn hơn.
Nhiều năm trước đây, các hộ dân thôn Hợp Long 2 đã nuôi cá chiên nhưng số lượng còn ít, nuôi theo kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chế độ cho cá ăn, chăm sóc và phòng bệnh cho cá, vì vậy cá chậm lớn, hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2014, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên xây dựng Dự án nuôi cá chiên lồng trên sông Lô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung tại thôn Hợp Long 2, quy mô 47 lồng với 26 hộ tham gia. Tham gia dự án, các hộ nuôi cá chiên được Nhà nước hỗ trợ giống, tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cá chiên thương phẩm trong lồng, đồng thời tìm đầu ra cho nhân dân.
Ông Triệu Văn Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nguyên cho biết: Xã có diện tích mặt nước ao, hồ trên 15 ha; hơn 3 km sông, suối chảy qua địa bàn xã có thể tận dụng nuôi trồng thủy sản. Đầu năm 2017, xã đã chủ động thành lập Tổ hội chăn nuôi nghề cá, từ đó các hộ nông dân có thể trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường giá cả, phương tiện sản xuất, phòng trừ dịch bệnh... Đến nay, sau 4 năm triển khai, toàn xã có 29 hội viên nuôi 58 lồng cá. Sau 2 năm nuôi mỗi lồng thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên, những người nuôi cá chiên lồng đang gặp khó khăn là thiếu con giống, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Bài, ảnh: Phạm Duy
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.