Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 20/07/2018
Ngày cập nhật:
22/7/2018
Từng loay hoay với nhiều nghề để mưu sinh, thế nhưng cuộc sống của Phạm Đăng Tập ở xóm Yên Lạc, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình bắt đầu khởi sắc khi anh mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể xi măng. Trải qua nhiều khó khăn, hiện nay anh Tập đang bắt đầu hưởng “trái ngọt” bởi nguồn thu từ ếch đã mang về cho gia đình anh hơn 300 triệu đồng một năm.
Anh Tập cho biết : Đến với công việc nuôi ếch như một cái duyên rồi gắn bó tới giờ đối với anh đó là một hành trình đầy mạo hiểm và thú vị. Trước đây, cuộc sống khó khăn khiến anh sớm phải lăn lộn mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Đây đa phần là những công việc rất vất vả, mức lương thấp, không đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt trong gia đình. Chính vì thế, anh bắt đầu nghĩ tới những hướng đi mới để có thể cải thiện cuộc sống của mình trong tương lai.
Tìm hiểu qua báo chí, truyền hình và internet, anh bắt đầu biết đến các mô hình kinh tế được bà con trong và ngoài tỉnh triển khai hiệu quả. Dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân xã Yên Đồng, anh Tập được giới thiệu đến tham quan, học hỏi nhiều mô hình khác nhau. Được trải nghiệm thực tế, được nghe những lời chia sẻ, động viên và chứng kiến nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, anh Tập càng có thêm động lực để thực hiện ý định của mình.
So với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi ếch hiện nay đang có xu thế cho lợi nhuận cao bởi thịt ếch là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng đang được nhiều người ưa chuộng, chi phí đầu tư không cao và kỹ thuật nuôi không hề khó.
Nhìn thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ếch của nhiều bà con trong tỉnh, anh lên kế hoạch xây dựng mô hình nuôi ếch Thái Lan. Ban đầu, khi quyết định xin nghỉ việc tại công ty để toàn tâm toàn ý dành thời gian cho mô hình, anh Tập vô cùng lo lắng bởi số vốn bỏ ra không hề nhỏ, hầu hết phải đi vay mượn, nếu thất bại thì cuộc sống sẽ vất vả hơn trước rất nhiều.
Gạt bỏ sự băn khoăn của những ngày đầu khởi nghiệp, năm 2015, tận dụng lợi thế gia đình còn nhiều diện tích đất bỏ trống, anh Tập mạnh dạn đầu tư mua ếch giống về nuôi tại ao nhà. Loại mà anh chọn nuôi là ếch Thái Lan bởi theo đánh giá, chúng có khả năng sinh sản và phát triển tốt hơn so với ếch của Việt Nam.
Sau nửa năm kiên trì theo đuổi cách nuôi ếch truyền thống trong ao, anh nhận ra hiệu quả mang lại chưa thật sự cao như kỳ vọng. Có đợt, ếch bị mắc bệnh chết đến quá nửa, thiệt hại lên tới 40 triệu đồng khiến anh vô cùng hoang mang, lo lắng. Dồn hết sức lực và ý chí để khắc phục hậu quả, đã có lúc anh Tập tự hỏi: Liệu mô hình có thể thành công được như mong đợi?
Cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiệt hại là do môi trường nuôi trong ao khiến cho việc phát hiện và xử lý bệnh tật còn hạn chế. Vì vậy, anh Tập đã tham khảo nhiều nơi và quyết định chuyển sang nuôi ếch trong bể xi măng nhằm khắc phục tối đa những nhược điểm trên.
Anh chia sẻ: Nuôi trong bể giúp người nuôi dễ phát hiện và khống chế dịch bệnh, không lây sang các bể khác nên nếu có thiệt hại thì cũng không đáng kể. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, cho ếch ăn cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, trên mỗi bể nuôi được phủ lưới che giúp ếch giữ ấm vào mùa đông và mát về mùa hè. Đối với người nuôi ếch, việc đảm bảo môi trường sống tốt sẽ giúp hạn chế những thiệt hại về dịch bệnh, tăng năng suất và sản lượng ếch lên rất nhiều.
Ba năm trôi qua, từ một thanh niên chỉ biết đi “làm thuê”, giờ đây anh Tập đã vươn lên trở thành ông chủ của mô hình nuôi ếch có quy mô lớn nhất xã Yên Đồng. Với 27 bể chuyên nuôi ếch, mỗi bể có diện tích từ 10 đến 15m2, anh Tập không những cung cấp ếch thịt mà còn nuôi cả ếch giống để bán cho bà con trong vùng.
Đến nay, số tiền mà anh đầu tư vào mô hình là 300 triệu đồng nhưng doanh thu cũng đã bắt đầu khởi sắc. Khi trọng lượng ếch đạt từ 250g – 300g/con thì thương lái từ Hà Nội đến tận nhà để thu mua, giá dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Trung bình cứ hai tháng rưỡi anh lại xuất bán một lứa ếch, mỗi lứa khoảng từ 4 – 5 tấn, tổng sản lượng cả năm lên tới gần 20 tấn ếch với doanh thu đạt gần 800 triệu đồng một năm. Nếu trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về là hơn 300 triệu đồng, đây là con số mà trước đây anh Tập không bao giờ dám nghĩ tới.
Thấy công việc nuôi ếch của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong và ngoài xã đã tìm đến học hỏi để làm theo. Với suy nghĩ “làm giàu không chỉ cho riêng mình”, anh Tập luôn hết lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho ếch.
Thời gian tới, Phạm Đăng Tập dự định sẽ mở rộng mô hình, triển khai san lấp khu đất gần nhà để xây thêm 20 bể nuôi ếch. Có thể nói, ngoài việc tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình, mô hình nuôi ếch Thái trong bể xi măng đã và đang mở ra một hướng đi mới trong phong trào phát triển kinh tế ở mảnh đất giàu tiềm năng Yên Đồng.
Quang Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.