• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền Giang: Xã cù lao Tân Thạnh gắn phát triển kinh tế vườn với phong trào nuôi thủy sản

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 25/7/2018
Ngày cập nhật: 29/7/2018

Xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) có diện tích tự nhiên 2.337ha, là xã cù lao nằm giữa hai nhánh sông Cửa Trung và Cửa Đại nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế vườn gắn với nuôi thủy sản. Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thạnh không ngừng nỗ lực vượt khó, cùng nhau chung tay góp sức phát triển kinh tế - xã hội, làm cho bộ mặt nông thôn xã cù lao ngày càng thay đổi.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp tại ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh.

Hiện xã đã trải nhựa được 8km trục đường chính, bê tông hóa 16km đường giao thông nông thôn liên xóm, liên ấp và đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hoặc xây mới tất cả các cầu dân sinh, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đầu tư đào 01 ao trữ nước ngọt cùng một trạm vận hành với đường ống dẫn nước dài gần 10km, đã đấu nối với hệ thống dẫn nước từ Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân có nước sạch dùng trong sinh hoạt và sản xuất.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng hoàn chỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để xã Tân Thạnh thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao và hình thành 3 tiểu vùng kinh tế gồm: Khu vực kinh tế vườn dừa nằm về hướng Tây, giáp sông Cửa Tiểu; vùng nuôi thủy sản nằm về hướng Đông, giáp sông cửa Đại và vùng chuyên canh cây ăn trái tại trung tâm xã, giáp sông Cửa Trung.

Bên cạnh đó, xã tập trung đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp trên cơ sở duy trì, phát triển kinh tế vườn kết hợp với phát triển phong trào nuôi tôm. Nếu như năm 2008, xã có 86ha nuôi tôm thì đến nay đã tăng lên 291ha. Nghề nuôi tôm được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Tân Thạnh trong những năm gần đây. Người nuôi thường xuyên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm. Sản lượng tăng từ 250 tấn lên 330 tấn/năm, lợi nhuận bình quân mỗi ha nuôi tôm từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Diện tích vườn dừa cũng tăng từ 327ha lên 590ha và đang cho trái ổn định. Vườn tạp được cải tạo thành vườn chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như mãng cầu Xiêm, nhãn, bưởi da xanh...Diện tích cây ăn trái tăng từ 265ha lên 276ha, mỗi ha thu nhập trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Diện tích lúa giảm qua từng năm, từ hơn 250ha đến nay đã được người dân chuyển sang đào ao nuôi tôm hoặc trồng cây ăn trái.

Đặc biệt, trên những diện tích trồng lúa 2 vụ/năm không ăn chắc và các khu vườn tạp kém hiệu quả, xã đã vận động bà con chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn trái các loại như ổi, nhãn, cam, quít... nhiều nhất là mãng cầu Xiêm, với trên 200ha đang cho trái ổn định, năng suất thu hoạch bình quân từ 17 - 20 tấn/ha. Giá mãng cầu Xiêm thời gian qua tương đối ổn định, nên hầu hết bà con trồng mãng cầu Xiêm có thu nhập khá, thoát nghèo bền vững hoặc vươn lên khá, giàu.

Với địa hình cù lao sông nước, khu vực các ấp Tân Đông, Tân Bình, Tân Thành 1 và Tân Thành 2 của xã đang phát triển mạnh phong trào nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 200ha mặt nước ao nuôi. Nhờ xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nuôi, nên năng suất thu hoạch bình quân đạt từ 7 - 8 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng và từ 4 - 5 tấn/ha đối với tôm sú. Tổng sản lượng hàng năm đạt trên 3.000 tấn tôm các loại.

Ngoài ra, phong trào chăn nuôi cũng được xã quan tâm phát triển, với tổng đàn gia súc hiện có gần 250 con, nhiều nhất là bò và 50.000 con gia cầm các loại, tạo nền tảng cho xã Tân Thạnh xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, kết hợp tốt giữa trồng trọt với chăn nuôi. Nhờ tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác nên phần lớn đời sống của các hộ dân đã được cải thiện. Toàn xã hiện có hơn 1.100 hộ dân, nếu lúc mới thành lập huyện Tân Phú Đông, đa số nhà dân trên địa bàn xã làm bằng gỗ, lá tạm thời thì hiện nay có trên 50% hộ dân xây được nhà ở khang trang, kiên cố; 100% hộ dân có phương tiện đi lại và phương tiện nghe nhìn.

Qua 10 năm thành lập huyện, thu nhập bình quân đầu người dân trong xã đã tăng lên 22,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, hộ khá giàu tăng lên, người dân có điều kiện tham gia các phong trào ở địa phương, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đó chính là thành quả tốt đẹp của quá trình thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với môi trường thổ nhưỡng, gắn với xây dựng phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của xã cù lao Tân Thạnh.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, hiện xã Tân Thạnh đang tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu, hệ thống cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn theo từng khu vực; hướng tới áp dụng và nhân rộng mô hình luân canh tôm - lúa trong vùng nhiễm mặn; phát triển mô hình kinh tế kết hợp vườn - ao - chuồng; nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, trồng nấm bào ngư, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao như mãng cầu Xiêm, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng..., tập trung củng cố, nâng cấp vững chắc các hệ thống đê bao, phòng chống triều cường và mặn xâm nhập, bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng và vật nuôi.

Song song đó, với công trình bến phà trung tâm xã đã được nâng cấp không những góp phần làm thay đổi diện mạo của xã cù lao mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Tân Thạnh mở rộng giao lưu hàng hóa với trung tâm huyện và các vùng lân cận, từng bước khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất xã cù lao ngày càng phát triển.

Hữu Dư

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang