Nguồn tin: Báo An Giang, 27/7/2018
Ngày cập nhật:
29/7/2018
Giữa tháng 6 âm lịch, nước ngoài sông đã “lừ lừ chín đỏ” báo hiệu mùa cá sắp về. Hiện tại, những người sống nhờ vào lũ đang tất bật chuẩn bị ngư cụ cho thời điểm mưu sinh sôi động nhất trong năm.
Lũ về cho dân câu lưới niềm vui
Nhanh tay cuốn những sợi dây đồng buộc mấy thanh tre để tạo hình chiếc hom lọp cua, anh Đinh Văn Chung, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức (Châu Phú, tỉnh An Giang) đang tất bật công việc để đủ hàng giao cho khách. Anh đã có hơn 15 năm theo nghề truyền thống của gia đình dù chưa đầy 30 tuổi. Với anh Chung, làm lọp cua vừa là nghề mưu sinh, vừa để giữ nghề nghiệp của cha ông. Ở “xóm lọp cua” này, mùa nước nổi là lúc họ “ăn nên làm ra” do nhu cầu của khách hàng tăng lên.
“Mỗi mùa nước, tôi nhận đươn hơn 1.000 lọp cua, bán với giá 35.000 đồng/cái nên nguồn thu cũng khá. Với những gia đình có đông lao động, họ có thể nhận hàng nhiều hơn bởi khách hàng từ miệt biên giới Long Bình, Khánh An (An Phú) và ở tận Campuchia cũng tìm đến mua. Nếu bán được khoảng 3.000 - 4.000 lọp/mùa, coi như mình không phải lo cái ăn, cái mặc trong mấy tháng mùa nước” - anh Chung cho hay.
Dân trong làng lọp cua Mỹ Hòa ngoài việc cung cấp phương tiện mưu sinh cho người khác cũng tự đi kiếm con cua, con cá trong mấy tháng nước tràn đồng. “Gia đình tôi không đươn lọp cua hết mùa lũ mà chỉ làm lúc đầu vụ, từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch. Khi nước trong đồng lên cao, cua bắt đầu “chạy” rộ là tôi xuống xuồng, mang “bổn nghệ” lên mấy cánh đồng dọc biên giới Vĩnh Gia, Vĩnh Điều (Tri Tôn) đặt cua. Tính ra, làm lọp không mang lại thu nhập cao bằng đi đặt cua nên tôi phải chịu cực để dư dả hơn chút ít” - anh Chung thật tình.
Thời điểm này, con nước đã lên trắng mấy cánh đồng giáp biên của xã Vĩnh Hội Đông (An Phú). Người dân ở 2 ấp “bên sông” là Vĩnh An, Vĩnh Hòa đã tất bật chuẩn bị ngư cụ. Người đặt cua, đặt cá lóc thì mang lọp ra kiểm tra mối mọt, bện lại mấy sợi dây đồng bị sứt cho chắc chắn. Ai đặt lưới thì xem chỗ nào rách để vá lại hoặc mua thêm vài tay lưới mới cho kịp mùa cá. Cách đây hơn tháng, họ đã kiểm tra ghe, xuồng, sửa chữa máy móc, trét dầu chai cho lành lặn để sẵn sàng vào cuộc mưu sinh. Việc sống chung với lũ đã trở thành một phần không thể thiếu với người dân vùng biên giới này nên họ đón mùa nước nổi như một người bạn thâm niên.
Anh Nguyễn Văn Suôn, người dân ấp Vĩnh An, đã có hơn chục năm gắn bó với nghề đặt lọp cá lóc. Mỗi mùa nước, anh lại lặn lội sang các cánh đồng ở huyện Brây Chusa, tỉnh Takeo (Campuchia) xin đóng thuế để khai thác thủy sản.“Mùa nước trước, tôi phải đóng thuế 25 triệu đồng mới được quyền khai thác, mỗi năm mức thuế mỗi tăng. Năm nào cá “chạy” thì có miếng ăn, ngược lại phải chịu lỗ vốn. Lặn lội vậy nhưng nghề “bà cậu” không ai lường trước được. Vì không có điều kiện làm việc khác nên phải bám vào cái lọp cá lóc để mưu sinh. Chỉ mong năm nay “Tổ đãi” để tôi có điều kiện lo cho mấy đứa con đi học đầy đủ hơn” - anh Suôn tâm sự.
Với những người gắn bó cùng nghề “bà cậu”, nguồn thu của họ sẽ phụ thuộc vào mực nước lũ cao hay thấp. “Năm 2011, nước rất lớn nên dân câu lưới có nguồn thu khá hơn. Mấy năm nay, nước nhỏ nên cá mắm không được bao nhiêu. Được cái giá cá ở chợ khá cao nên mình cũng sống nổi với nghề này. Thấy vậy chứ nghề nào nghiệp nấy, tới mùa là phải xuống xuồng cưỡi sóng, cưỡi gió để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình. Mới mồng 5 tháng 5 âm lịch “nước quay” tui đã ngứa tay ngứa chân, tất bật sửa soạn “bổn nghệ” để đón mùa nước mới. Năm nay, hy vọng có cuộc sống khá hơn!” - anh Suôn trải lòng.
Đưa mắt nhìn xuống dòng sông đang cuồn cuộn phù sa, người ngư dân miệt biên giới ấy như mong mỏi mẹ thiên nhiên sẽ tiếp tục hào phóng với mình. Đó cũng là mơ ước của bao thế hệ dân câu lưới mỗi lúc con nước từ thượng nguồn đổ về, mang theo cá, tôm và sản vật mùa lũ ban cho họ. Rồi đây, anh Suôn và những người theo nghề “bà cậu” lại dong xuồng, cưỡi sóng mưu sinh như “cái nghiệp” của đời mình!
THANH TIẾN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.