• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chạy đua với thời gian để gỡ ‘chốt chặn’ cho tôm Việt Nam

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 02/08/2018
Ngày cập nhật: 3/8/2018

Khó khăn lớn nhất chính là thực hiện quy định doanh nghiệp thu mua phải có đủ bằng chứng về nguồn gốc thủy sản từ mỗi người nuôi trồng/đánh bắt nếu đó là lô hàng bán vào nhà máy hơn 1.000 kg nguyên liệu/ngày, tức là mỗi người nuôi phải cung cấp đủ địa chỉ nuôi trồng và giấy phép sản xuất.

Mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ khiến cho việc xuất khẩu tôm sang Mỹ của nước ta trở nên khó khăn hơn

Xuất khẩu sang Mỹ, tôm Việt Nam sẽ bị áp loạt quy định mới

Được biết đến với tên gọi là SIMP, Chương trình giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ do Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) chịu trách nhiệm quản lý, sẽ chính thức có hiệu lực vào 31/12/2018 này.

Như vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam khi muốn xuất khẩu tôm và bào ngư vào “xứ cờ hoa” phải tuân thủ thêm hàng loạt quy định mới về khai báo dữ liệu đối với quá trình nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, vận chuyển và nhập khẩu (sau đây tạm gọi là hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi”).

Khác với cách thức quản lý hàng nhập khẩu vào Mỹ của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), NOAA không có chuyên gia tới tận Việt Nam để kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đột xuất hay lấy mẫu kiểm tra ngay khi hàng cập cảng, mà chỉ quản lý chuyện nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ dựa trên các tài liệu, chứng cứ xác thực (cả bản “cứng” lẫn bản khai báo online) tại hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi”.

Theo bà Celeste Leroux, chuyên gia từ NOAA, doanh nghiệp tại Việt Nam phải cung cấp tất cả tài liệu cho nhà nhập khẩu ở Mỹ. Đây sẽ là người thay mặt bên bán Việt Nam lập hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi” để xin cấp phép tại NOAA. Điều kiện đầu tiên là nhà nhập khẩu phải có thường trú nhân, có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng tại Mỹ.

Theo đó, một số thông tin cơ bản nhất mà doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị cho hồ sơ trên gồm có: Tên khu vực nuôi trồng/đánh bắt (được chính quyền cấp phép), loại ngư cụ được sử dụng trong đánh bắt, tên loài thủy hải sản, trọng lượng, điểm đầu tiên bốc dỡ hàng vào Mỹ, ngày cập bờ, cảng cập bờ, điểm giao hàng, tên đơn vị được giao nhận đầu tiên…

NOAA cũng có quy định riêng cho những cơ sở đánh bắt nhỏ (tàu đánh cá từ 12 mét chiều dài hoặc từ 20 tấn tổng trọng tải trở xuống) hoặc nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ (có những lô hàng bán cho doanh nghiệp xuất khẩu từ 1.000 kg/ngày trở xuống).

Cụ thể, với những đối tượng này, không cần có giấy phép nuôi trồng/đánh bắt, tên/địa chỉ tàu đánh bắt/trang trại nuôi trồng. Doanh nghiệp thu mua những lô hàng quy mô nhỏ chỉ cần làm một báo cáo thu hoạch tổng hợp theo từng ngày.

Nhà tư vấn từ NOAA khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên “giục giã” các nhà nhập khẩu hoặc môi giới kê khai hoặc liên tục cập nhật dữ liệu điện tử về từng lô hàng đang trên đường vận chuyển trước khi đến Mỹ từ 5 - 10 ngày. Vì NOAA sẽ đối chiếu với hồ sơ ngay khi hàng cập cảng.

Đáng chú ý, sau thông quan, NOAA vẫn có thể kiểm tra các lô hàng nhập khẩu này nếu cảm thấy “có vấn đề”. “Mục tiêu kiểm tra là gì còn tùy thuộc vào quan ngại của NOAA cho từng trường hợp cụ thể. Tần suất kiểm tra ra sao chúng tôi cũng chưa thể nói được”, bà Celeste Leroux, chuyên gia của NOAA cho biết.

Yêu cầu địa chỉ và giấy phép sản xuất khiến con tôm “mắc kẹt”

Với lệ phí hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi nộp cho NOAA chỉ là 30 USD, thoạt nghe mọi quy định có vẻ khá đơn giản nhưng thông tin trao đổi giữa giới doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại cuộc hội thảo giữa NOAA và các thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 1/8 tại TPHCM đã cho thấy một số thách thức lớn.

Nếu tạm gác lại những khoản ký quỹ do đang bị “bao vây” bởi thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng sẽ phải tốn kém nhiều chi phí thời gian, công sức và tiền bạc để hoàn chỉnh bộ hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi” như vậy.

Trước tiên là từ khâu tìm kiếm nhà nhập khẩu “chịu” làm dịch vụ đăng ký hồ sơ cho những người bán từ Việt Nam. Chỉ riêng điều kiện “nhà nhập khẩu đăng ký hồ sơ cho người bán Việt Nam tại NOAA phải là thường trú nhân” cũng đã khiến cho các nhà môi giới tại Mỹ bất an bởi cảm thấy phải “đứng mũi chịu sào” thay cho doanh nghiệp Việt nếu có sự cố xảy ra.

Trong khi đó, rất nhiều nhà xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam lại không đủ “lực” để đi theo con đường thứ 2 mà NOAA “mở” ra. Đó là lập pháp nhân và đăng ký kinh doanh tại Mỹ, rồi tự đứng đơn kê khai hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi (tại NOAA) cho công ty mẹ muốn xuất khẩu tôm ở Việt Nam.

Nhưng khó khăn tiếp theo và lớn nhất chính là thực hiện quy định doanh nghiệp thu mua phải có đủ bằng chứng về nguồn gốc thủy sản từ mỗi người nuôi trồng/đánh bắt nếu đó là lô hàng bán vào nhà máy hơn 1.000kg nguyên liệu/ngày, tức là mỗi người nuôi phải cung cấp đủ địa chỉ nuôi trồng và giấy phép sản xuất.

Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, điều trớ trêu ở chỗ người nuôi tôm Việt Nam chủ yếu là các nông hộ nhỏ, lẻ. Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâu nay chỉ mua gom và giám sát chất lượng của người nuôi liên quan tới dư lượng kháng sinh, tạp chất, kích cỡ, chủng loại… chứ cũng không hỏi nông dân về các giấy phép như vậy nên đang rất bối rối, “thực tình tôi không biết nông dân nên xin giấy phép gì, do cơ quan chức năng nào cấp. Thời gian mà Chương trình SIMP đối với tôm và bào ngư có hiệu lực chỉ còn vài tháng nữa, vậy sẽ rất khó cho cả doanh nghiệp và nông dân”, ông Phục bày tỏ lo ngại.

Trong khi đó, bà Celeste Leroux lại cho hay lần đầu tiên thấy có trường hợp nuôi trồng cho năng suất trên 1.000 kg/ngày mà không cần xin phép sản xuất. “NOAA cần thêm thời gian để trao đổi lại với các nhà hoạch định chính sách, cũng như làm việc với Tổng cục Thủy sản Việt Nam trước khi có thể đưa ra câu trả lời cuối cùng”, bà Celeste Leroux cho biết.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ở các nước phát triển, nuôi trồng thủy sản đa số là sản xuất lớn nên đều có đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp phép. Tuy nhiên, điều kiện ở Việt Nam không giống như vậy. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ với NOAA để họ hiểu hơn về thực tế mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ cũng như cách thức quản lý của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có quy hoạch các vùng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Theo đó, ở vùng quy hoạch nuôi tôm thì người dân chỉ có sinh kế chủ yếu là nuôi tôm chứ không có giấy phép gì nữa”, ông Luân nêu quan điểm cho những cuộc “trao đổi” sắp tới với NOAA.

Như vậy, cuộc đua gỡ “chốt chặn” cho con tôm Việt Nam đã chính thức khởi động. Và thực tế là chỉ còn 5 tháng nữa để dòng xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ không bị “nghẽn mạch” vào đầu năm 2019 tới.

Phương Hiền

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang