Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 10/8/2018
Ngày cập nhật:
11/8/2018
Sau hơn 3 tháng tạm ngừng nuôi vì thời tiết bất lợi, thời điểm này nuôi tôm chân trắng (NTCT) ở Ngũ Điền (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bắt đầu vào vụ chính, nhưng nỗi lo chất lượng giống vẫn chưa được cải thiện.
Người dân kiểm tra tôm sau khi thả giống vụ chính
Hướng đến nuôi tôm an toàn, chất lượng
Từ 2 năm nay, người dân Ngũ Điền không còn mạo hiểm NTCT trên cát vào mùa hè. Thời điểm này nhiệt độ trong ao hồ thường dao động ở mức cao, gây bất lợi và nhiều rủi ro đối với tôm nuôi. Tôm thường chậm phát triển, còi cọc, đề kháng kém dẫn đến nhiều loại dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn.
Từ khi bỏ vụ hè, NTCT trên cát còn hai vụ nuôi vào thời điểm sau tết đến tháng 4 (AL) và vụ nuôi từ giữa tháng 8 đến cuối năm. Trong đó vụ nuôi và thu hoạch vào cuối năm được xác định là vụ chính, thường đạt năng suất và hiệu quả cao.
Anh Võ Kha ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải lý giải: “Thời điểm này rất thuận lợi đối với NTCT trên cát ven biển vì hội tụ các yếu tố về thời tiết mát mẻ, độ PH, độ mặn… tương đối ổn định, kích thích tôm phát triển nhanh, đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ tôm đạt kích cỡ 30 - 40 con/kg rất cao nên giá thường cao hơn so với các vụ khác. Giá tôm vụ chính thường dao động trung bình từ 150 - 220 ngàn đồng/kg. Hai năm nay có đến 80% hộ NTCT trên cát Ngũ Điền có lãi bình quân từ 500 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/hộ”.
Tận dụng cơ hội tốt của vụ chính, thời điểm này người dân Ngũ Điền tích cực cải tạo ao hồ, chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị thả giống đồng loạt từ giữa tháng 8, một số hộ thả từ vài ngày nay. Ngoài chọn thời điểm phù hợp, vụ nuôi này người dân đang tiếp tục hướng đến nuôi tôm an toàn, chất lượng.
Ông Trương Nhàn ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải tự tin: “3 vụ nuôi trở lại đây, tui cũng như nhiều hộ nuôi không còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hay các loại chất kích thích tôm phát triển mà chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học. Sử dụng thuốc kháng sinh phòng ngừa dịch bệnh khiến tôm chậm phát triển, tỷ lệ còi cọc rất cao nên giá thấp. Từ khi dùng chế phẩm sinh học, tôm phát triển nhanh hơn, tỷ lệ kích cỡ lớn cao hơn nhiều”.
Chọn thức ăn chất lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm. Người nuôi tôm ở Ngũ Điền không như trước đây thường sử dụng nguồn thức ăn trôi nổi, giá rẻ, bất chấp chất lượng như thế nào. “Giờ đây người dân tuyệt đối không ham thức ăn giá rẻ mà quyết tâm mua thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, từ các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước, dù giá có thể cao hơn từ 5-10%”, ông Nhàn nói.
Lo nguồn giống
“Vụ nuôi nào người dân cũng phải tất tả đến các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống ở các tỉnh phía Nam mua về nuôi. Mặc dù tìm đến các cơ sở nuôi tôm giống có uy tín, nổi tiếng nhưng với mắt thường, lại thiếu kinh nghiệm nên rất khó phát hiện nguồn giống liệu có đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn dịch bệnh hay không. Hầu hết bà con chỉ được nhận giấy kiểm dịch do cơ sở giống cung cấp, đồng thời thấy tôm bơi nhanh, khỏe mạnh thì mua về thả nuôi”, ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải lo lắng.
Việc vận chuyển giống đường xa mất nhiều thời gian (từ 20 - 24 giờ) cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thông tin, theo quy định của cơ quan chức năng, giống sau khi mua về phải trình báo với chi cục để được kiểm dịch, phát hiện dịch bệnh nhằm có biện pháp xử lý trước khi thả nuôi. Tuy nhiên vì lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng giống, tỷ lệ hao hụt cao do để lâu nên hầu hết người dân vội vàng thả mà không báo với chi cục kiểm dịch. Đây chính là yếu tố bất lợi đối với quá trình NTCT trên cát ở vùng Ngũ Điền khi bước vào vụ mới này.
Theo ông Sửu, giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại đối với vụ nuôi. Khi các điều kiện khác đảm bảo, cộng thêm nguồn giống chất lượng thì vụ nuôi chắc chắn thắng lợi; song nguồn giống kém chất lượng thì nguy cơ dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt, chậm phát triển và còi cọc rất cao.
Với khoảng 500 ha NTCT trên cát ven biển và hàng ngàn ha nuôi chuyên canh tôm sú, nuôi xen ghép, mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 2 tỷ con giống. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở ương nuôi giống quy mô khoảng 50 triệu con tôm chân trắng, 100 triệu con tôm sú, 30 triệu con tôm đất, đáp ứng một lượng rất nhỏ so với nhu cầu, diện tích nuôi toàn tỉnh.
Trước mắt, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khuyến cáo người dân sau khi mua giống về cần báo với chi cục để được kiểm dịch, xử lý mầm bệnh trước khi thả nuôi; quá trình nuôi thường xuyên theo dõi để sớm phát hiện các dấu hiệu dịch bệnh, báo cơ quan chức năng có sự hướng dẫn, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.
Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, trong tổng diện tích quy hoạch nuôi tôm trên cát toàn huyện khoảng 900ha đã có 400ha đưa vào sản xuất. Vụ nuôi này, người dân đang đồng loạt ra quân cải tạo ao hồ để thả nuôi theo khung lịch thời vụ (khoảng từ ngày 15/8).
Bài, ảnh: Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.