Nguồn tin: Báo An Giang, 13/08/2018
Ngày cập nhật:
14/8/2018
Điều cần quan tâm trước hết là không khai thác cá khi chưa đến mùa vụ khai thác, đặc biệt là cá non. Đồng thời, phát động bảo vệ, thả cá mùa lũ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục vụ lợi ích lâu dài.
Nghịch lý cá linh non
Trong số các sản vật tự nhiên mùa lũ, cá linh được xem là loài khá đặc biệt, ngay với tên gọi của nó. Đây là loài cá có “linh cảm” với mùa nước nổi. “Quanh năm chẳng thấy chúng đâu nhưng khi lũ về là có cá linh. Khi cá linh non xuất hiện sớm thì y như rằng lũ sẽ về sớm, cá nhiều thì lũ lớn, cá ít thì lũ nhỏ. Cá linh lớn theo con nước nên khi lũ lên nhanh thì chúng cũng lớn nhanh và ngược lại” - chị Lê Thị Tuyền (ngụ ấp 3, xã Quốc Thái, An Phú, tỉnh An Giang), người chuyên bán cá đồng mùa nước nổi thông tin.
Dù hiện nay, cá linh non đã xuất hiện phổ biến tại một số chợ ở TP. Long Xuyên nhưng ở huyện đầu nguồn An Phú, nhiều chợ quê vẫn ít bán loài cá này. “Có lẽ do “thèm” cảm giác ăn cá linh nên dân thành thị sẵn sàng chi 200.000 - 300.000 đồng để mua 1kg cá linh non chứ dân đầu nguồn chúng tôi không mấy thích bởi cá còn quá nhỏ. Hiện nay, chỉ có một số hộ đi đặt đú trên mương và những cánh đồng vừa ngập nước giáp biên giới Campuchia để bắt cá linh non, giao cho những đầu mối sử dụng bình ô-xy, giữ cá sống vận chuyển trực tiếp xuống các chợ lớn ở TP. Long Xuyên và một số chợ huyện trung tâm. Còn ở vùng đầu nguồn, bà con chỉ ăn một ít cho biết vị mà thôi chứ cá nhỏ quá, ăn chưa cảm giác được vị ngon đặc thù của loài cá này” - chị Tuyền chia sẻ thêm.
Dạo một vòng quanh các địa phương đầu nguồn, giáp biên giới khác như: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, việc tiêu thụ cá linh non tại chỗ khá ít, chủ yếu vận chuyển xuống TP. Long Xuyên. Riêng đối với huyện An Phú, nơi có nhiều gian thủy sản lớn, bà con vẫn chưa đóng đáy khai thác. Tại xã Phú Hữu, những vị trí gian thủy sản vùng đầu nguồn như: Lồng Đà - Xẻo Vừng, Năm Thổ Bổn, cột mốc 88, lung Cây Xoài… nước đã lên khá. Tương tự, ở các xã Phước Hưng, Vĩnh Hội Đông, nơi tập trung nhiều gian thủy sản nhất trên sông Hậu, bà con đang tất bật chuẩn bị “đồ nghề” nhưng chưa xuống đáy. “Kinh nghiệm cho thấy, mới đầu mùa, lượng thủy sản còn rất ít, nếu vội xuống đáy sản lượng khai thác không nhiều, không đủ bù chi phí thuê nhân công, ăn uống. Hơn nữa, cá đầu mùa còn rất nhỏ, nếu khai thác sớm sẽ ảnh hưởng sản lượng chính vụ. Dự báo năm nay nước lớn, những thầu đáy kỳ vọng khi nước lên nhiều, lượng cá khai thác sẽ khá hơn các năm trước” - ông Nguyễn Văn Nhiên (ngụ xã Vĩnh Hội Đông) chia sẻ.
Khai thác kết hợp bảo vệ
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân cho biết, qua từng năm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng. An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, giáp với biên giới Campuchia nên công tác bảo vệ và phục hồi, bảo vệ và khai thác hợp pháp nguồn lợi thủy sản tự nhiên theo lũ từ thượng lưu về hạ lưu sông Mekong là yêu cầu cấp bách. Ngày 21-6, khi mực nước vẫn còn thấp, Sở NN&PTNT đã có Công văn số 1011/SNN&PTNT-CCTS, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế phối hợp với các ban, ngành liên quan, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản trong mùa lũ năm 2018. Trong đó, tập trung tuyên truyền về mùa vụ khai thác, các đối tượng khai thác (cấm và được phép khai thác), kích thước loài cho phép khai thác, kích thước mắt lưới cho phép của các ngư cụ, cấm sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản. Riêng đối với cá linh, mùa vụ được phép khai thác sau ngày 31-8, chiều dài tối thiểu cho phép khai thác cá linh phải từ 50mm trở lên.
Đối với việc khai thác cá bằng lưới đáy, cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm đối với việc không cho phép đặt đáy trên các tuyến sông, kênh từ cấp I đến cấp VI, lòng xép, lòng búng, lòng hồ. Mặt khác, việc tổ chức khai thác đáy cá linh tại các tuyến sông, kênh từ cấp I trở lên vào mùa lũ phải thực hiện đúng các quy định (về mùa vụ khai thác cá linh, kích thước cá linh cho phép khai thác, kích thước mắt lưới tối thiểu tại phần tập trung cá của lưới đáy), phải được sự đồng ý của Sở Giao thông Vận tải hoặc Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam. “Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP (ngày 12/9/2013) và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP (ngày 5/4/2017) của Chính phủ và các quy định của tỉnh” - bà Vân nhấn mạnh.
Đối với các quy định liên quan đến khai thác thủy sản, địa phương và người dân thực hiện theo Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BNNPTNT ngày 27/4/2015 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất - kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11/2/2014 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang
NGÔ CHUẨN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.