Nguồn tin: Báo Thái Bình, 13/08/2018
Ngày cập nhật:
15/8/2018
Nhiều năm qua, việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) được địa phương đặc biệt quan tâm. Các hộ dân tham gia mô hình đều có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bản, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc thu hoạch cá lồng. Ảnh: PHẠM HƯNG
Đồng chí Phạm Văn Tập, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với lợi thế 980m chiều dài sông Luộc chảy qua địa bàn xã, tận dụng diện tích mặt nước, một số hộ dân thôn Tân Mỹ đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ hiệu quả ban đầu thu được, Hội Nông dân xã đã vào cuộc, tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng phát triển mô hình. Nhờ vậy, từ 4 lồng cá lúc đầu của 2 hộ, sau 4 năm, toàn xã có 34 gia đình hội viên Hội Nông dân tham gia xây dựng mô hình với số lồng cá đã tăng lên 312 lồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Với lợi nhuận trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/lồng cá/năm, kinh tế của các gia đình được cải thiện rất nhiều, đời sống ngày một nâng cao.
Mô hình được đánh giá là mô hình dân vận khéo tiêu biểu, được các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Ngoài tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển mô hình, Hội Nông dân xã còn phối hợp với HTX DVNN xã và các đoàn thể mỗi năm tổ chức từ 6 - 8 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, do đầu tư nuôi cá lồng đòi hỏi chi phí ban đầu lớn (mỗi lồng cá bước đầu phải đầu tư 40 triệu đồng chưa kể tiền đầu tư giống và thức ăn, làm đường đi, dựng nhà chòi để trông coi), Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho các hội viên nuôi cá lồng ở thôn Tân Mỹ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội. Có kiến thức, được Hội đứng ra tín chấp cho vay vốn, các hội viên nuôi thả cá lồng yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Địa phương còn phối hợp với cơ quan chức năng, tạo mọi điều kiện về địa điểm và trật tự, an toàn trên sông, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.
Với mỗi lồng cá, gia đình anh Thăng thu lãi khoảng 45 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thăng, thôn Tân Mỹ, hiện đang nuôi 10 lồng cá trên sông Luộc cho biết: So với nuôi cá trong ao, hồ, đầm, nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi hơn như: Do tận dụng được môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy đầu ra của sản phẩm ổn định. Nuôi cá lồng trên sông mật độ nuôi lớn hơn, cá ít xảy ra dịch bệnh, quản lý, chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn nuôi cá trong ao nước tĩnh. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh bởi nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy cao. Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước, ngoài ra, do nước thay đổi liên tục nên cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao.
Để nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao, giống là yếu tố quyết định, do vậy các hộ gia đình ở đây thường lựa chọn mua giống rất kỹ, bảo đảm chất lượng. Giống cá được các gia đình lựa chọn nuôi nhiều có: cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm đen là các loại cá có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, còn có hộ nuôi cả cá rô phi. Trong quá trình nuôi nên tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ, thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá để phát hiện dịch bệnh và có biện pháp chăm sóc kịp thời.
Anh Thăng cho biết thêm: Lồng cá được làm bằng chất liệu lưới dù, khung thép, típ nước và có các phuy thùng để nâng đỡ các lồng cá nổi trên mặt nước. Thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp (cám viên nổi), cá biển nhỏ và cỏ. Cá nên nuôi với mật độ thưa để hạn chế dịch bệnh và ngột nước xảy ra ở cá. Hiện tại, gia đình thả từ 4.000 - 5.000 con giống/lồng, chủ yếu là cá diêu hồng. Mỗi lồng khi thu hoạch cho sản lượng từ 2,5 - 3 tấn cá. Với giá bán hiện nay tại lồng từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cho thu lãi khoảng 45 triệu đồng.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quỳnh Ngọc có nhiều triển vọng để nhân rộng mô hình cá lồng trên sông Luộc. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cá lồng trên sông tại Quỳnh Ngọc vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, chi phí lớn. Nhiều người dân chưa nắm được các kiến thức khoa học kỹ thuật khi nuôi cá trong lồng dễ dẫn đến nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, thời tiết biến động, bất thuận, mùa mưa bão kéo dài, ô nhiễm môi trường nước, làm phát sinh dịch bệnh, tiềm ẩn rủi ro cho người nuôi cá lồng.
Bởi vậy, để phát triển mô hình nuôi cá lồng hơn nữa trong thời gian tới, nhiều người dân cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để làm đường giao thông ra các lồng bè; xây dựng các cột trụ để neo lồng cá khi có bão, lũ xảy ra để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn về thủy sản để bà con nắm bắt kịp thời những kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển nuôi trồng; các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi để người dân có thể đầu tư làm lồng, mua con giống, thức ăn cho cá…
Đào Quyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.