Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 20/08/2018
Ngày cập nhật:
21/8/2018
Nhằm phát huy tiềm năng về nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ để tăng hiệu quả khai thác. Nhờ đó, tình hình sản xuất ngư nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Mô hình nuôi cá lóc bông tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ cho hiệu quả cao.
Trước đây, ông Hoàng Thanh Lâm (xã Láng Dài) nuôi các loại cá nước ngọt như: Cá trắm, cá mè, cá chép, cá lóc lai… nhưng hiệu quả không cao. Qua sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, ông Lâm quyết định chọn nuôi cá lóc bông, vì loại cá này phù hợp với thổ nhưỡng, vùng nước của địa phương. Ông Lâm mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng đào 4 ao với tổng diện tích mặt nước hơn 3.000m2 để nuôi cá lóc bông. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hiện nay, 4 ao cá của ông Lâm cho thu hoạch 200 tấn/năm, chủ yếu bán cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. Với giá bán trung bình 45 - 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Lâm thu lãi 600 - 700 triệu đồng/năm. Ngoài ông Lâm, hiện nay, mô hình nuôi cá lóc bông tại xã Láng Dài đã được nhân rộng, với gần 20 hộ nuôi trên tổng diện tích ao hơn 22ha.
Không chỉ chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện Đất Đỏ còn tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn, trang bị thiết bị, phương tiện khai thác đánh bắt hiện đại, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ. Bà Nguyễn Thị Phụng (khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải), Giám đốc DNTN Lộc An cho biết, gia đình bà đã có 18 năm gắn bó với nghề biển. Ban đầu, các phương tiện của gia đình chủ yếu đánh bắt bờ, từ năm 2006, gia đình bà đầu tư 7 tàu công suất 400 - 700CV và bắt đầu chuyển sang khai thác hải sản xa bờ. Hải sản đánh bắt được bán cho các công ty chuyên chế biến, kinh doanh hải sản ở BR-VT, Long An, TP. Hồ Chí Minh… Năm 2016, gia đình bà đầu tư 7,5 tỷ đồng để đóng tàu công suất 700CV, trong đó 5,2 tỷ đồng được vay ưu đãi theo Nghị định 67, nâng tổng số tàu lên 8 chiếc. Với đội tàu này, DNTN Lộc An đã giải quyết được công ăn việc làm cho 110 lao động, với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Riêng với gia đình bà Phụng, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/tàu/năm.
Để tăng cường sự liên kết sản xuất trên biển, huyện Đất Đỏ vận động ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội. Đến nay, đã có 44 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển được thành lập. Mô hình khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội đã phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin về ngư trường, thời tiết, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển Việt Nam. Ông Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng (thị trấn Phước Hải) cho biết: “Địa phương có hơn 80 tàu hoạt động, chủ yếu là nghề lưới vây. Các tàu trong tổ cùng ra khơi đánh bắt chung ngư trường và thường xuyên liên lạc với nhau để hỗ trợ nhau khi cần. Các tàu luân phiên chở sản phẩm khai thác về cảng để bán và tiếp nhận nhu yếu phẩm để tiếp ứng cho các tàu đang hoạt động trên biển. Nhờ đó, các thành viên trong tổ tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả đánh bắt”.
Theo báo cáo của UBND huyện Đất Đỏ, tính đến nay, diện tích mặt nước nuôi thủy sản toàn huyện đạt 856ha, với sản lượng đạt trên 3.200 tấn/năm. Số lượng tàu thuyền trên địa bàn huyện 660 chiếc với tổng công suất 238.617 CV, sản lượng khai thác khoảng 45.000 tấn/năm. Ông Tạ Văn Bửu, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư để khai thác có hiệu quả các tiềm năng về nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Trong đó, huyện sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; Khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng việc đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng và nhân rộng mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản gắn với công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ an ninh trên biển.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.