Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 21/08/2018
Ngày cập nhật:
22/8/2018
Gần đây, cá rô đầu vuông bắt đầu tăng giá trở lại. Thương lái thu mua cá tại ao với mức từ 33.000 - 35.000 đồng/kg. Sau bao thăng trầm, loài cá này liệu có trở lại “thời hoàng kim” của nhiều năm trước?
Đã nhiều năm rồi, giá cá rô đầu vuông mới tăng cao trở lại.
Nhiều năm gắn bó
Trở lại “thủ phủ” của cá rô đầu vuông ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), gặp người phụ nữ từng được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ khen thưởng làm kinh tế giỏi với mô hình cá rô đầu vuông, đó là bà Lê Thị Hân, ở ấp 1, từng hốt bạc với cá rô đầu vuông những năm 2009 - 2010. Nhưng đến năm 2013, cá rô rớt giá thê thảm chỉ còn 16.000 - 18.000 đồng/kg, với 10.000m2 nuôi cá rô, bà Hân đã phải chuyển sang nuôi con cá khác. Tuy nhiên, bà Hân vẫn giữ lại diện tích nhất định để ương nuôi cá giống để chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho thị trường cả nước. Bà Hân cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, dù giá cá xuống thấp nhưng tôi vẫn duy trì việc nuôi cá, vì theo tôi nghĩ cá rô sẽ hồi phục. Mỗi năm tôi ương cá bột từ 5 - 10 triệu con, bởi các tỉnh vẫn có nhu cầu nuôi. Bây giờ, tôi đang ương 2 triệu con cá bột, trước tình hình giá cá rô tăng giá trở lại thì tôi thấy quyết định của mình rất sáng suốt”.
Cùng suy nghĩ với bà Hân, ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 7, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cũng duy trì mô hình nuôi cá rô đầu vuông từ năm 2014. Mặc dù thời điểm năm 2013 là năm cá rô rớt giá thê thảm nhất, nhưng ông Hoàng vẫn quyết định chọn thả nuôi loài cá này. Không những vậy, từ 2 ao nuôi khoảng 5.000m2, đến nay diện tích đã tăng lên gấp đôi. Ông Hoàng cho biết: “Năm 2014, giá cá rô bán ra chỉ 20.000 đồng/kg nên tôi lỗ 200 triệu đồng tiền thuốc, nhân công đào ao. Năm đó là ngay năm đầu thả nuôi, nhưng tôi không muốn bỏ vì nghĩ không bao lâu giá cá sẽ lên lại. Tuy nhiên, để gỡ vốn thì diện tích nuôi cũ sẽ không thể nên tôi làm liều đào thêm một ao nữa thả nuôi và tiếp tục cầm cố đất đai, vay mượn số tiền gần 300 triệu đồng tiếp tục thả nuôi vụ tiếp theo. Nhưng lần này tôi không thả đồng loạt mà thả cách nhau vài tháng có cá rải vụ để bán. Nhờ cách làm này mà vụ cá sau tôi bán được giá 28.000 đồng/kg nên thu hồi vốn, có lời duy trì cho đến nay”.
Mới vụ cá năm 2017, ông Hoàng bán được hơn 80 tấn cá rô đầu vuông với giá 30.000 đồng/kg. Mới đây, ông Hoàng bán được giá 34.000 đồng/kg, lãi trung bình 10.000 đồng/kg. Hiện tại, ông còn 2 ao cá đang chuẩn bị thu hoạch trong 2 tuần nữa, sản lượng ước đạt 50 tấn. Với mức giá thương lái mua là 33.000 - 34.000 đồng/kg, ông Hoàng cầm chắc trong tay gần 500 triệu đồng tiền lời. Cũng theo lời ông Hoàng, cháu của ông là Nguyễn Văn Duyên, ở ấp 2, xã Hòa An, nhờ nuôi cá rô đầu vuông mà mua được 2ha đất ruộng. Từ một ao nuôi cá rô đầu vuông, ông Duyên đã mở rộng lên 2 ao, rồi 4 ao và đến nay đã được 6 ao nuôi cá, trung bình 1 ao có diện tích 2.000m2.
Khó phục hồi
Tín hiệu vui là cá rô đã tăng trở lại ở mức giá hơn 33.000 đồng/kg giúp người nuôi có lời. Nguyên nhân chính là diện tích thả cá rô đầu vuông đã giảm hẳn, nguồn cá cung không còn nhiều. Phần lớn cũng là do vùng nuôi cá của các tỉnh lân cận giảm theo vì tuột giá. Chính vì vậy, chỉ có những hộ duy trì, chịu khó tiếp tục nuôi cá rô đầu vuông mới đón được đợt tăng giá lần này.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi cá, để cá rô đầu vuông trở lại “thời hoàng kim” là không thể, bởi vì nuôi cá bây giờ đều gặp bất lợi từ thời tiết, thị trường tiêu thụ. Bà Lê Thị Hân cho biết thêm: “Tôi nuôi cá mấy năm nay bị hao hụt nhiều do thời tiết diễn biến bất thường, mưa bão liên tục, nguồn nước bị ô nhiễm nên cá hay bị bệnh, không đạt năng suất như trước. Diện tích ương cá bột của tôi bị thất thoát nhiều vì giai đoạn nào cá cũng bị bệnh. Vòng tuần hoàn của bệnh cứ lập lại khoảng 3 tháng 1 lần dù tôi đã chuẩn bị xử lý từ trước”.
Còn những hộ nuôi cá thương phẩm thì cũng không khá hơn. Ông Huỳnh Văn Hải, ở ấp 7, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Năm nay thời tiết bất lợi, bệnh trên cá xuất hiện nhiều nhất là đốm trắng trên thân, thối đuôi, thối mỏ. Ao cá của tôi dự tính thu hoạch 50 tấn cá nhưng mấy ngày nay bị đợt bệnh đã hao hụt mất 5 tấn. Chi phí bỏ ra cho vệ sinh, thuốc trị bệnh đã trên 100 triệu đồng. Nếu với giá bán này thì tiền lời cũng không nhiều”.
Cũng theo một số hộ dân nuôi cá rô đầu vuông, dù cá rô dễ nuôi nhưng nguồn nước sông đã bị nhiễm thuốc hóa học trôi ra từ các đồng ruộng nên sẽ ảnh hưởng đến đàn cá. Hơn nữa, những nơi nông dân sản xuất lúa vụ 3 không thu hoạch rơm mà để tại ruộng, gốc rạ ngập nước xảy ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, thối nước, cộng với môi trường bất lợi, dịch bệnh thường xuyên khiến cho sản lượng cá rô đầu vuông giảm. Điều này làm cho chi phí đầu tư cao khiến người nuôi cá cũng không mấy vui dù cho giá cá tăng nhiều. Bà con cũng lo ngại vì muốn thả nuôi cá trở lại thì cũng không có vốn để đầu tư. Đại lý thức ăn không dám bán ghi nợ cho người nuôi cá rô đầu vuông, chính vì vậy mà diện tích thả nuôi ở các địa phương chưa có dấu hiệu tăng đáng kể. Riêng huyện Vị Thủy còn hơn 2ha, huyện Phụng Hiệp chưa đến 10ha.
Ngành chức năng cũng lo ngại, nếu giá cá lên thì diện tích nuôi cá sẽ tăng, bài học của những năm trước sẽ lập lại nên thường xuyên khuyến cáo người dân cẩn trọng khi thả nuôi lại loài cá này. Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, khuyến cáo: Bà con nên thăm dò thị trường và tìm được nguồn bao tiêu đầu ra trước khi thả nuôi. Bên cạnh đó, nên áp dụng các kỹ thuật nuôi theo chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm bớt chi phí, dịch bệnh. Lựa chọn giống chất lượng và thực hiện biện pháp để phòng bệnh cá trước thời tiết bất thường. Khi có bệnh nên áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng, quản lý cho ăn theo đúng kỹ thuật. Trường hợp cá bị bệnh thối đuôi, thối mỏ do nước mưa hay chất lượng nước kém thì nên bón vôi để xử lý. Cách làm là pha vôi vào nước tạt vào ao để hạ phèn. Ngoài ra, nuôi cá vào những tháng mưa nên rải vôi trên bờ ao trước khi thả cá. Được biết, cá rô đầu vuông là một trong 10 loại cây, con chủ lực của tỉnh với tên nhãn hiệu “Cá rô Hậu Giang”. Lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cũng đã quan tâm đến sự sống còn của loài cá này, vì vậy tỉnh đã có đề tài nghiên cứu “Bảo tồn nguồn gen cá rô đầu vuông Hậu Giang”. Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đang tiếp nhận kết quả nghiên cứu và lưu trữ nguồn gen cá rô tại đơn vị với số lượng 5.000 con bố mẹ. Đây sẽ là nguồn cung chất lượng để giúp bà con khi có nhu cầu thả nuôi trở lại. Như vậy, để cá rô đầu vuông tiếp tục giữ giá cao, quan trọng nhất là người dân phải lựa chọn đối tượng thả cá. Ngoài việc chọn con giống chất lượng thì nên thực hiện nuôi theo quy trình để giảm giá thành, như vậy khi giá cả thị trường xuống thấp, rủi ro sẽ thấp nhất, thua lỗ sẽ ít xảy ra.
Bài, ảnh: TRÚC LINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.