• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng chất lượng tôm sinh thái dưới tán rừng đạt chuẩn quốc tế

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 22/8/2018
Ngày cập nhật: 23/8/2018

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án Phục hồi rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải - MAM, sáng 22/8, tại Cà Mau, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 111/QĐ-UBND và đề xuất cho chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau”.

Hội thảo thu hút trên 100 đại biểu, đại diện cho các đơn vị thụ hưởng tại khu vực ĐBSCL tham dự.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, tỷ trọng ngành nông nghiệp của Cà Mau chiếm khoảng 30% của cả nước. Trong đó, ngành tôm là ngành chủ lực của địa phương. Hình thức nuôi tôm tại Cà Mau rất đa dạng, với nhiều loại hình nuôi như mô hình nuôi chuyên tôm, luân canh tôm – lúa, xen canh tôm – rừng…

Sản xuất hướng tới bền vững

Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã quan tâm đến việc nuôi tôm dưới tán rừng đạt chứng nhận của quốc tế cho 19.000ha với hơn 4.200 hộ dân tham gia. Hiện tỉnh Cà Mau có gần 100.000ha có thể được chứng nhận theo loại hình nuôi tôm - rừng.

“Đã qua, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong việc thực hiện các chính sách phát triển, bảo vệ rừng trước biến đổi khí hậu. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp, ban, ngành địa phương đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế địa phương, làm cơ sở để đề xuất bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Cà Mau trong thời gian tới”, ông Lê Văn Sử nói.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Cà Mau có trên 300.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 280.000 ha nuôi tôm. Sản lượng tôm hằng năm của Cà Mau đạt trên 150.000 tấn, chiếm 20% sản lượng tôm nuôi của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

“Địa phương hiện đang quan tâm đến việc chứng nhận quốc tế cho vùng nuôi tôm rừng đạt chuẩn, để tăng thêm giá trị con tôm, đặc biệt là tôm - rừng. Ngành công nghiệp chế biến tôm Cà Mau đứng đầu cả nước về công nghệ, thiết bị, chế biển thành phẩm khoảng 280.000 tấn/năm. Hiện con tôm Cà Mau đã xuất sang khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…”, ông Châu Công Bằng thông tin.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển tôm rừng. Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển tôm rừng theo hướng phối hợp với các tổ chức nước ngoài để tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, giống… góp phần cải thiện môi trường rừng, tăng sản lượng.

Do Cà Mau là tỉnh đi tiên phong, chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án MAM, nhất là trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khó khăn trong việc phát triển tôm rừng là do nguồn tôm bố mẹ không đảm bảo, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Trong khi đó, việc đánh bắt ngày càng hạn chế nên địa phương chưa chủ động tạo nguồn tôm bố mẹ; việc khai thác, đánh bắt không đồng bộ, khiến chất lượng con giống thiếu ổn định…

Song song đó, việc sử dụng con giống chưa đạt chất lượng, môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất tôm rừng, triều cường làm ngập vùng nuôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Rào cản về kỹ thuật, thương mại cũng ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu; thiếu vốn, sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ…

Nâng tầm con tôm Cà Mau

“Thời gian tới, tỉnh cố gắng quy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê bao, thủy lợi để phục vụ sản xuất. Đồng thời nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giảm giá thành. Quản lý tốt chất lượng con giống, 100% diện tích vùng nuôi đạt tiêu chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tập trung, có mối liên hệ giữa doanh nghiệp đầu vào, đầu ra để bao tiêu con tôm”, ông Châu Công Bằng thông tin thêm.

Ông Châu Công Bằng kiến nghị, nông dân nên tuân thủ, thực hiện đúng quy định về trồng và bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các bên liên quan. Các tổ chức phi chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ Cà Mau phát triển con tôm; xây dựng, quảng bá thương hiệu tôm Cà Mau ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, Trung ương cần hỗ trợ sửa đổi, bổ sung các chính sách; tăng cường quản lý con giống, chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học… Sớm xem xét, phê duyệt chính sách, tạo cơ sở pháp lý để Cà Mau triển khai thực hiện dự án.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Dự án MAM, cho biết, mục tiêu phát triển của dự án là để khôi phục rừng ngập mặn, chống biến đổi khí hậu; tăng năng suất, thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện vai trò liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, giá trị kinh tế tự nhiên do rừng ngập mặn tạo ra thường bị xem nhẹ. Do dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn khó quy ra thành tiền, những đối tượng làm kinh tế không hiểu về sinh thái.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đánh giá, nếu so sánh hệ tôm sinh thái với hệ tôm thâm canh sẽ thấy ý nghĩa quan trọng. Hệ thâm canh và bán thâm canh không độc lập, lấy thức ăn từ bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Còn hệ tôm sinh thái lại phát triển độc lập, tự sản xuất ra thức ăn nên không gây ảnh hưởng đến môi trường nước.

“Việc nuôi tôm sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng con tôm, hướng đến thị trường cao cấp là hướng đi phù hợp của Cà Mau”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đánh giá.

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, có truyền thống nuôi tôm rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đó là tiềm năng to lớn để phát triển sản xuất tôm sinh thái.

Hiện nay, việc phát triển bền vững ngành tôm của tỉnh, trong đó, có tôm rừng đang là chiến lược của tỉnh. Đồng thời đây là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá.

Trần Quốc Khải

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang