Nguồn tin: Trang TTĐT Tổng cục Thủy sản, 24/08/2018
Ngày cập nhật:
25/8/2018
Cuối tháng 7 vừa qua, Hội thảo Quốc gia "Giải pháp kỹ thuật Phát triển nguồn thức ăn trong Nuôi trồng thủy sản" đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm bàn bạc, tìm kiếm các giải pháp phát triển nguồn thức ăn cho các đối tượng nuôi thủy sản để hạ giá thành, nâng cao hiệu quả vụ nuôi, gia tăng giá trị sản xuất; Trong đó, vấn đề chất lượng thức ăn thủy sản được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Định hướng phát triển ngành sản xuất thức ăn thủy sản
Năm 2017, cả nước có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn; trong đó, công suất thiết kế thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản 5,8 triệu tấn; nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỷ USD, bao gồm: thức ăn giàu đạm khoảng 7,2 triệu tấn; thức ăn giàu năng lượng khoảng 10,4 triệu tấn; thức ăn bổ sung khoảng 500.000 tấn.
Tổng sản phẩm xác nhận lưu hành trong năm 2017 là 3.061 sản phẩm; trong đó, sản phẩm thức ăn là 1.877 sản phẩm (trong nước 1.634 sản phẩm, nhập khẩu 243 sản phẩm). Sản phẩm bổ sung môi trường nuôi là 1.184 sản phẩm (trong nước 1.114 sản phẩm, nhập khẩu 70 sản phẩm).
Theo định hướng phát triển, thức ăn thuỷ sản và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu: Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; có chất lượng phù hợp đã được công bố áp dụng; thông tin về sản phẩm đã gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Bên cạnh đó, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng.
Những năm gần đây, nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn thủy sản đã có những bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu, nhiều loại thức ăn cân bằng dinh dưỡng và có khả năng nâng cao sức khỏe của thủy sản nuôi đã được nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có những hộ nuôi và doanh nghiệp thủy sản không biết cách đánh giá chất lượng thức ăn và tính hiệu quả của từng loại thức ăn để chọn lựa loại phù hợp (trong khi, thức ăn chiếm 40-70% chi phí sản xuất).
Nguyên nhân: Việt Nam chưa xây dựng được tiêu chí khoa học để đánh giá chất lượng thức ăn thủy sản, vẫn chỉ sử dụng những tiêu chí lạc hậu dẫn tới tính chính xác không cao.
Hệ lụy là, cùng nhằm mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, nhưng các hộ nuôi và một số doanh nghiệp thủy sản không xác định được hướng sử dụng thức ăn giàu đạm hay thức ăn nhiều chất béo sẽ đem lại hiệu quả cao hơn; lúng túng khi phân biệt thức ăn dùng cho tôm giống, tôm thịt; thức ăn dành cho tôm nuôi theo các hình thức quảng canh, thâm canh, nuôi công nghiệp mật độ dày; các loại thức ăn khác nhau phù hợp sử dụng cho mỗi quy trình nuôi...
Về phía các nhà máy sản xuất thức ăn, vì lợi nhuận sẽ tìm cách thu hút người mua bằng những quảng cáo (không liên quan đến đối tượng vật nuôi) như: Tạo mùi thơm cho sản phẩm thức ăn; Thực tế, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được đối tượng nuôi cảm nhận được mùi thơm của thức ăn; Đối với những loại thức ăn giàu đạm dành cho tôm, nếu như không được tiêu thụ hết sẽ gây lãng phí thức ăn và ô nhiễm môi trường ao nuôi. Tương tự, những loại thức ăn đóng gói nhỏ, tiêu tốn nhiều bao bì, sẽ khiến giá thành thức ăn tăng và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, chất lượng thức ăn không phụ thuộc vào hình thức bao bì đẹp mắt. Các hộ nuôi hoàn toàn có thể sử dụng thức ăn thủy sản đựng trong bao bì cỡ lớn với mẫu thiết kế đơn giản (để giảm giá thành). Nhưng phải đảm bảo tại cơ sở nuôi có hệ thống kho chứa tiêu chuẩn, tránh ẩm mốc làm hỏng thức ăn.
Giải pháp phát triển bền vững
Ngành nuôi trồng thủy sản những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc, kéo theo đó là nhu cầu thức ăn thủy sản tăng cao. Để ngành thức ăn trong nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, giảm chi phí sản xuất cho người nuôi thì cần sự đồng lòng, hợp tác từ các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cùng bàn bạc, chia sẻ, tìm giải pháp tối ưu cho sản xuất, vì thức ăn thủy sản dù có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng nếu quy trình cho ăn, chăm sóc không đúng thì vẫn không phát huy được hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn sẽ nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm giúp tôm, cá tiêu hóa tốt hơn, giảm bệnh tật, tăng sức đề kháng; Các doanh nghiệp sản xuất bao bì cần hướng tới cung cấp những loại bao bì thông minh, thân thiện với môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước và vùng nuôi. Toàn ngành cần tích cực nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thức ăn; có giải pháp sử dụng thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi; quản lý nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm, chứng nhận về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản.
Việt Nam đang cần những giải pháp cụ thể, tiên tiến để sản xuất ra các loại thức ăn chất lượng cao, tăng hiệu quả nuôi thủy sản, đồng thời vẫn đảm bảo giá thành hạ (không đầu từ nhiều cho chi phí bao bì, quảng cáo) nhằm hạ giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam.
Ngọc Thúy - FICen
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.