• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Điểm danh những mô hình hiệu quả

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 25/01/2018
Ngày cập nhật: 26/1/2018

Dù thu nhập hàng trăm triệu đồng hay tiền tỉ, nhưng tựu chung lại những mô hình này là tinh thần kiên trì bền bỉ cùng cách làm bài bản. “Quả ngọt” chính là những con số đủ để khẳng định tên tuổi và càng làm vang danh thêm cho sự phát triển của vùng đất Ngã Bảy (Hậu Giang).

Ông Ngâm đã đổi đời nhờ cây mãng cầu xiêm.

Làm ăn hiệu quả - HTX thu tiền tỉ

Tìm đến nhà ông Phạm Hùng Minh cũng là Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Khi vừa gặp, ông đon đả mời trà nước rồi hớn hở báo tin: “Cá tra năm nay trúng giá. Người nào có ao nuôi đều báo lãi. Tôi mới bán xong, tính sơ sơ mà lãi tới 500 triệu đồng”. Cùng với những kiến thức về mật độ nuôi, kỹ thuật chăm sóc theo quy trình khoa học đã được chuyển giao từ cán bộ thủy sản và qua tài liệu mà ông Minh tích lũy được, năng suất cá tra nuôi thâm canh của lão nông hơn 14 năm kinh nghiệm này trung bình đạt tới 45 tấn trên diện tích 2.000m2 ao nuôi.

Năm 2017, được xem là năm thắng lợi đối với người nuôi cá tra. Đến nay, nghề nuôi con cá “triệu đô” này đã trải qua biết bao thăng trầm, nhiều nông dân nuôi cá thua lỗ phải bỏ ao. Xuất phát từ những biến động của thị trường và nhu cầu liên kết của những người nuôi cá trong xã Đại Thành, HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng được thành lập cùng sự tham gia đến thời điểm này là 22 thành viên. Với mục tiêu ban đầu là “hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất”, HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng đã xây dựng được hình thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi rời nhà, ông Phạm Hùng Minh dẫn chúng tôi tham quan một số ao nuôi cá của thành viên HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng đã thấy rõ niềm phấn khởi của từng thành viên. Cũng như ông Minh, 14 thành viên có thả nuôi cá năm nay đều báo lãi hàng trăm triệu đồng, hộ thấp nhất cũng đạt 200 triệu đồng. “Cứ mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, các thành viên họp lại trao đổi tình hình của nhau hoặc tổng kết, tính toán doanh thu xem lời lỗ ra sao. Toàn bộ ao nuôi trong HTX mới thu hoạch dứt điểm, tính sơ bộ thì lời hơn 7 tỉ đồng. Sở dĩ HTX hoạt động hiệu quả, chống chọi được sự biến động bất thường của giá cá là do làm ăn có bài bản. HTX tổ chức được nhiều dịch vụ cho thành viên sử dụng và hưởng lợi”, ông Minh thông tin.

Với sự đoàn kết, khả năng sáng tạo, HTX đã thực hiện nhiều dịch vụ như: hút bùn, nghiệp đoàn kéo cá, cửa hàng thuốc thủy sản, dịch vụ bán thức ăn... Bên cạnh đó, việc thực hiện các dịch vụ trong HTX đã góp phần hạ giá thành sản xuất của các thành viên còn 20.000 đồng/kg cá thương phẩm, thấp hơn các hộ sản xuất ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg. Cùng với đó, với tư cách là đại diện tập thể thành viên, HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng còn đứng ra đóng vai trò “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Khuyến, thành viên HTX cho biết: “Năm nay, tôi được HTX cho mượn vốn mua thức ăn, cá giống nên duy trì được ao cá. Ngoài ra, HTX tìm được nguồn cung ứng thức ăn, mỗi thành viên tham gia nuôi và lấy thức ăn từ công ty liên kết, chỉ trả trước 50% nên chi phí bỏ ra ít hơn. Lúc xuất bán, thương lái đã chịu giá 28.000 đồng/kg, vậy là năm nay tôi lãi trên 200 triệu đồng”.

Có thể nhận thấy, với cách làm bài bản, đoàn kết, HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng đã giúp cho ngành thủy sản thêm phát triển. Không chỉ vậy, HTX này còn góp phần đưa lĩnh vực kinh tế tập thể Hậu Giang lên một vị thế mới.

Triệu phú mãng cầu xiêm

Thị xã Ngã Bảy vốn nổi danh là xứ sở của cây có múi, nhưng giờ đây với sự nhanh nhạy, nhiều nông dân đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm thành công. Chạy dọc theo tuyến dân cư vượt lũ Cái Côn, xã Đại Thành sẽ dễ dàng bắt gặp những căn nhà tường khang trang xen lẫn vườn mãng cầu xiêm xanh tốt. Nhiều mảnh vườn hay thửa ruộng canh tác kém hiệu quả đang được người dân lên liếp trồng mãng cầu. Một phần là do thị trường tiêu thụ loại trái cây này tương đối lớn, giá ổn định. Vào thời điểm hút hàng, giá có thể lên đến 30.000-45.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn đặt hàng khi trái còn nhỏ, giúp nhiều nông dân phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, ở ấp Cái Côn, xã Đại Thành - một nông dân tiêu biểu của thị xã vẫn cặm cụi ngoài vườn dù đã cận tết. Với vườn mãng cầu xiêm 0,5ha, mỗi năm gia đình thu từ 200-300 triệu đồng và sau khi trừ các chi phí còn lãi ròng hơn 150 triệu đồng. Và nghiễm nhiên, ông lọt tốp những nông dân “triệu phú” trên miền đất bảy ngã. Chỉ vào ngôi nhà mới cất chưa lâu, ông Nhâm khoe: “Nhà này bề thế vầy nhờ hết vào cây mãng cầu xiêm. Sau 2 năm cho trái, tôi đã xây được nhà khang trang, cuộc sống vất vả dần lùi xa”.

Nói về chuyện làm ăn của mình, ông Nhâm cho biết diện tích canh tác kể trên vốn từ đất mía. Mải miết làm nhưng vẫn không dư dả vì giá cả nhiều lúc bấp bênh, thường xuyên đối mặt với lũ lớn. Nhưng nhờ đi nhiều nơi thấy mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình nên ông mạnh dạn lên liếp lập vườn trồng mãng cầu xiêm chuyên canh. Hiện mô hình của ông đang được bà con trong xóm nhân rộng và là điểm đến cho nhiều nhà vườn khác học hỏi.

Trái mãng cầu xiêm tuy không giúp ông Nhâm thành tỉ phú như cá tra hay cam sành, nhưng vẫn đủ sức hút cho những con người muốn tìm sinh kế mới. Bằng sự tận tâm, ông Nhâm không chỉ vui với niềm vui trúng mùa mà còn muốn chăm bẵm cho cây mãng cầu xiêm thực sự gắn bó với vùng đất này.

Ông Đào Hồng Bàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ngã Bảy, cho biết: Ngày càng có nhiều mô hình làm ăn phát huy hiệu quả trong việc đổi thay cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Năm nay, thị xã có đến 566 mô hình có thu nhập từ 100-500 triệu đồng và 20 hộ có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Đây là mô hình giúp bà con giải quyết bài toán chọn lựa cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên diện tích sản xuất của mình.

Kim Điều

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang