Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 27/8/2018
Ngày cập nhật:
28/8/2018
Những năm trước đây, nghề nuôi thủy sản nước lợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hạ Trạch (Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Thế nhưng, gần đây, người nuôi thủy sản địa phương đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn.
Nông dân chán ngán với nghề
Với thế mạnh là xã ven sông Gianh, chủ động được nguồn nước, từ năm 1995, người dân Hạ Trạch đã chuyển đổi vùng đầm lầy, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, toàn xã có hơn 200ha diện tích nuôi thủy sản bao gồm cả diện tích hồ nuôi nhân tạo và hồ tự nhiên ven bờ sông Gianh.
Những năm trước, nhiều nông dân nhờ nuôi tôm, cua mà trúng đậm, có cả bạc tỷ trong tay. Nhưng gần đây, năng suất và sản lượng thủy sản cứ giảm dần, người dân nơi đây ngày càng chán ngán với nghề, họ không dám đầu tư vì sợ thua lỗ. Năm 2017, kế hoạch của địa phương là thu hoạch khoảng 200 tấn tôm, nhưng kết quả chỉ được 50 tấn và năm 2018, số lượng còn giảm mạnh hơn.
Ông Lưu Văn Cường, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Hạ Trạch ngậm ngùi chia sẻ, với nghề này, nếu thuận lợi, chỉ cần 1ha nuôi tôm cũng sẽ giúp người nông dân kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bởi, nuôi tôm thời gian rất ngắn, trong vòng 3 tháng, tôm khỏe mạnh sẽ cho thu hoạch.
Trước đây, mùa được, mùa mất, bà con còn có vốn để xoay xở, ba năm trở lại, nông dân nuôi lứa nào cũng gần như mất trắng lứa ấy. Khi tôm, cua bị bệnh, mua thuốc về cũng không thể kiềm chế được bệnh dịch. Có hồ mà không nuôi thì lãng phí, mà nuôi thì thua lỗ, nhiều người phải ôm nợ lớn.
Ông kể thêm: "Hiện gia đình tôi có 2ha nuôi tôm và 2ha nuôi cua thương phẩm. Năm ngoái và năm nay, nuôi tôm đã làm tôi mất trắng hơn 500 triệu đồng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cũng như vậy, buổi chiều tối cho tôm ăn thì thấy bình thường nhưng sáng ra, tôm đã chết trắng hồ, không kịp trở tay. Có những gia đình vui mừng vì nghĩ vụ này trúng đậm, gọi thương lái nhưng họ chưa đến thì tôm đã chết gần hết hồ".
Khi tìm hiểu chúng tôi được biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất và sản lượng thủy sản ở Hạ Trạch ngày càng giảm. Trước hết là do hệ thống thủy lợi, hiện mương cấp nước và thoát nước chung nên việc quản lý nguồn nước bị động khi dịch bệnh xảy ra.
Một số hộ dân thiếu ý thức khi tôm bị dịch bệnh không thông báo với chính quyền để có biện pháp dập dịch mà tự động tháo hồ để “vớt vát” đồng vốn nên gây lây lan bệnh nhanh sang các ao xung quanh.
Nguyên nhân tiếp nữa là do ao hồ nhỏ lẻ, phần lớn là bờ đất nên hàng năm lũ về thường xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Khi ao này bị dịch có thể rò rỉ nước sang ao khác làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Mặt khác, nguồn nước sông Gianh ngày càng bị ô nhiễm do nạn khai thác cát sạn trái phép, nước thải sinh hoạt…
Những năm gần đây, năng suất và sản sản lượng tôm giảm dần, người dân Hạ Trạch ngày càng chán ngán với nghề.
Nguồn giống không bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc nuôi trồng thủy sản khó kiểm soát được dịch bệnh. Được biết, những người nuôi thủy sản nơi đây luôn tự tìm nguồn giống, chủ yếu nhập từ các tỉnh phía Nam, việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống trước khi mua về tại địa phương chưa bảo đảm.
Ngoài ra, giống cua cũng được bà con mua của dân chài bắt được trên sông Gianh về thả nuôi nên năng suất nuôi cua xanh nước lợ chưa cao. Có người nuôi mới được một tháng thì cua bị dịch, chết hàng loạt mà không biết cách phòng tránh.
Khó khăn lớn nhất của người nuôi trồng thủy sản hiện nay ở Hạ Trạch là nguồn vốn. Vì nguồn vốn eo hẹp nên việc cải tạo, nạo vét ao hồ vẫn chưa được người dân thực hiện thường xuyên, các bờ ao hồ chủ yếu là bờ đất và chưa được xây dựng kiên cố nên bị rò rỉ nước, vào mùa hè nắng nóng việc thất thoát nước rất dễ xảy ra. Nhiều gia đình lo lắng vụ mùa tới không có vốn để tiếp tục nuôi vì tài sản đã cầm cố để nuôi tôm trong hai năm trở lại đây.
Đi tìm lối ra…
Để tìm lối ra cho nghề nuôi tôm, giúp nông dân có thể làm giàu trên chính đồng đất quê hương, UBND xã Hạ Trạch đang tích cực khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản nên đa dạng hoá con nuôi để giảm bớt rủi ro, tăng thu nhập. Xã khuyến cáo bà con thả thưa tôm giống, nạo vét ao hồ cẩn thận, phơi đáy diệt vi khuẩn dịch bệnh, tránh rủi ro như những năm vừa qua.
Ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện, nên xã được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện. Vừa qua, UBND huyện đã hỗ trợ cho địa phương thử nghiệm mô hình ươm gièo tôm nhằm kiểm soát được nguồn giống trước khi thả vào ao nuôi.
Với mô hình này, tôm giống được ươm nuôi trong một hồ nhỏ một thời gian, khi tôm đủ độ lớn, đủ thích nghi mới thả ra hồ nuôi. Mặt khác, mọi chi phí chăm sóc giảm 3 lần so với cho giống tôm trực tiếp xuống ao nuôi mà tỷ lệ sống lại đạt cao hơn.
Đối với vụ đông, khi con tôm còn nhỏ không chịu được nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến sức đề kháng, rất dễ xảy ra dịch bệnh, nhưng ươm gièo sẽ bảo đảm nhiệt độ cho tôm sinh trưởng tốt. Đặc biệt, việc ươm gièo sẽ giúp bà con có thể nuôi tôm vụ đông nhằm cung ứng sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Mặt khác, nhằm đa dạng hóa vật nuôi, tăng thêm thu nhập, người dân Hạ Trạch đã thả nuôi cua. Ông Nguyễn Thanh Lương ở thôn 7 cho biết, nuôi cua kết hợp với tôm tuy không lãi nhiều nhưng hiệu quả và an toàn hơn.
Hơn nữa, hình thức nuôi này giúp cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư và giảm sức lao động. Cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng nhiều thuốc thú y thủy sản như nuôi tôm chuyên canh.
Trong khi đó, cua cũng ít dịch bệnh nên có lãi. Ngoài ra, có một số hộ dân nơi đây cũng đã chuyển đổi nuôi thêm một số loài, như: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá đối mục, cá bống bớp…
Hiện địa phương cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát chuẩn bị thi công trạm bơm, kênh mương cấp và thoát nước trên vùng đất nuôi trồng thủy sản giúp người dân trong thời gian tới chủ động được nguồn nước, chống ô nhiễm và lây lan dịch bệnh từ hồ này sang hồ khác. Đây là điều đáng mừng, giúp bà con nơi đây yên tâm sản xuất trong những năm tới.
Vì mục đích mưu sinh và giữ nghề, chính quyền và nông dân xã Hạ Trạch đã và đang tìm hướng ra và giải pháp thích hợp, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế mang tính kinh nghiệm và thử nghiệm. Để duy trì diện tích hồ nuôi tôm có hiệu quả, rất cần sự chung tay của các cơ quan ban ngành.
Trước hết, cần nghiên cứu đánh giá nguyên nhân dẫn đến thất bại một cách khoa học, từ đó khuyến cáo người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu xử lý hồ nuôi, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa bệnh dịch.
Đồng thời, cần hỗ trợ bà con trong khâu tuyển chọn và cung cấp giống có chất lượng, chống chịu được bệnh, kiểm dịch giống, kiểm tra công tác phòng ngừa và xử lý dịch bệnh tại các hồ nuôi, cải tạo hệ thống mương cấp và thoát nước. Ngoài ra, công tác hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ tín dụng cũng rất cần thiết để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.