Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 27/8/2018
Ngày cập nhật:
30/8/2018
Nhằm khai thác diện tích mặt nước của các hồ thủy điện, những năm qua, người dân sống ở ven các lòng hồ thủy điện đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng. Đây là hướng phát triển kinh tế mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng lòng hồ.
Khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông Quách Văn Son, thôn Vèn, xã Ái Thượng (Bá Thước).
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 21 dự án thủy điện đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, 6 dự án đã thi công xong và đi vào vận hành phát điện là: Thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Bá Thước 2, thủy điện Dốc Cáy, thủy điện Trung Sơn, thủy điện Bá Thước 1, thủy điện Bái Thượng; và 4 dự án: Thủy điện Thành Sơn, thủy điện Cẩm Thủy 1, thủy điện Xuân Minh, thủy điện Trí Nang đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, đang hoàn chỉnh hồ sơ để chuẩn bị tích nước phát điện vào cuối năm 2018... Nhiều công trình thủy điện hoàn thành đưa vào sử dụng đã và đang tạo ra diện tích mặt hồ lớn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực, như: Nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch và thương mại. Những năm qua, cùng với việc khai thác đánh bắt thủy sản, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, nhiều hộ dân sống ở ven lòng hồ thủy điện đã tận dụng diện tích mặt nước để phát triển nuôi cá lồng góp phần tạo việc làm tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo. Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bá Thước, chúng tôi tìm về xã Ái Thượng - nơi được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá lồng. Gia đình ông Quách Văn Son, thôn Vèn, xã Ái Thượng vốn có nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông Mã từ lâu đời. Sau khi thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, năm 2012, ông là một trong những hộ dân của xã tiên phong lên vùng lòng hồ để phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình ông chủ yếu đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng với quy mô nhỏ. Sau khi được tham gia tập huấn kỹ thuật do cán bộ xã, huyện tổ chức, ông đã đầu tư nuôi 5 lồng cá, mỗi lồng 100 con. Bình quân mỗi năm gia đình thu lãi từ 40 đến 45 triệu đồng. Ông Son chia sẻ: Ban đầu gia đình đầu tư vào nuôi cá lồng còn nhiều băn khoăn, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật làm lồng bè, nuôi cá và đã yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế. Gia đình chủ yếu nuôi cá trắm, trôi và hiện đang có kế hoạch đầu tư nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá ké. Thức ăn cho cá khá đơn giản, chủ yếu là ngô, sắn, cỏ, lá chuối... quan trọng nhất là bảo đảm vệ sinh nguồn nước, tránh cá bị nhiễm bệnh”.
Được biết, toàn huyện Bá Thước hiện nay có 567 lồng cá của 493 hộ dân thuộc 5 xã ven lòng hồ thủy điện là: Tân Lập, Ái Thượng, Lâm Sa, Lương Ngoại, Ban Công. Trong đó, riêng xã Ái Thượng có 125 lồng cá của gần 100 hộ dân, với thu nhập bình quân đạt 80 đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu làm lồng bằng tre, nứa, luồng thì hiện nay nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã làm lồng bằng lưới quây vừa giảm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại huyện Thường Xuân, vùng lòng hồ thủy điện Cửa Đạt được hình thành chính là điều kiện thuận lợi để địa phương hình thành nghề mới, như: Nuôi trồng, khai thác thủy sản và kết hợp du lịch sinh thái. Năm 2015, nhằm định hướng cho người dân tiếp cận với nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện, UBND huyện Thường Xuân đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, 30a để thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, với 10 hộ dân xã Xuân Cẩm tham gia dự án. Bà Hà Thị Nguyệt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Do ảnh hưởng của thiên tai nên dự án thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Song, địa phương và người dân vùng lòng hồ nhận thấy rõ tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá lồng nên UBND huyện đã giao phòng NN&PTNT phối hợp với các địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi thả cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Hiện tại, gần 20 hộ dân của xã Xuân Cẩm đã chuẩn bị lồng, bè và kỹ thuật nuôi thả cá lồng. Dự kiến, năm 2019 trên địa bàn huyện sẽ phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt.
Đánh giá về tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng: Tận dụng diện tích nguồn nước mặt của các lòng hồ thủy điện để nuôi thả cá lồng chính là một hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ. Để nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương cần thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Đồng thời, mở rộng quy mô, đối tượng nuôi thả, ưu tiên những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá ké, cá trắm cỏ...
Bài và ảnh: Thanh Hòa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.