Nguồn tin: Báo An Giang, 30/08/2018
Ngày cập nhật:
1/9/2018
Sau nhiều năm liền làm ăn thua lỗ, hiện nay ngư dân và doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh An Giang đã lấy lại “sức dốc” khi có lãi. Từ giá nguyên liệu đầu vào đến tỷ giá USD (đang ở mức cao) trong XK sản phẩm đã thực sự giúp ngành cá tra có được mức lợi nhuận tốt nhất.
Nguyên liệu
Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Thời (xã Hòa Lạc, Phú Tân) rất phấn khởi khi giá cá nguyên liệu phục vụ chế biến XK dao động ở mức 28.000 - 29.000 đồng/kg. Với mức giá này, bình quân ông thu lãi thấp nhất từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, đây là mức lời tốt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Giá thành nuôi 1kg cá hiện nay ở mức từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, bởi trong 2 năm nay, do nhiều yếu tố khác nhau, con giống cá tra thả vào hầm có tỷ lệ chết rất cao. Mặt khác, thời tiết diễn biến bất lợi khiến việc ương nuôi cá giống từ con bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống có tỷ lệ sống rất thấp, từ đó những người nuôi cá thịt phục vụ XK phải gánh chịu giá thành nuôi cao hơn cách đây 10 năm. Nhờ giá cá nguyên liệu trong năm duy trì ở mức cao nên người nuôi cá tra XK hiện nay đã dần hồi phục sau 2 vụ xuất bán vừa qua” - ông Thời khẳng định.
Ngư dân trong tỉnh tiếp tục thả nuôi cá tra giống
Tháng 5 và 6 vừa rồi, có thời điểm các DN chế biến XK trong tỉnh phải nhập nguyên liệu ở mức 30.000 đồng/kg. Những ngư dân có cá tra bán trong thời điểm này đều có mức lợi nhuận rất cao. Ngoài người nuôi cá thịt có lời, ngư dân nuôi cá tra giống cũng được “ăn theo” trong thời gian dài.
Cụ thể, vào những tháng kể trên, cá tra giống loại 30 con/kg, ngư dân nuôi cá thịt phải mua thả vào hầm ở mức 65.000 - 72.000 đồng/kg. Như vậy, từ người nuôi cá giống đến người nuôi cá thịt đều có mức lãi rất cao, trong khi lãi suất ngân hàng trong năm luôn giữ ở mức từ 7% - 7,5%/năm. Hạch toán từ đầu vào đến đầu ra, từ người nuôi cá giống, cá thịt đến các DN chế biến XK đều có mức lãi tốt.
Tỷ giá
“Nói ngư dân và DN từ đầu năm 2018 đến nay đã lấy lại “sức dốc”, đều đó không sai, bởi 8 tháng qua, những người tham gia vào ngành hàng cá tra đều rất phấn khởi vì sản xuất có lời. Từ người làm con giống đến nuôi cá thịt, DNXK, kể cả DN chế biến thức ăn, thuốc thú y thủy sản đều có mức lời ổn định. Nếu tình hình này được kéo dài thì đây là điều đáng mừng cho ngành cá tra” - ông Đỗ Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TMDV Thủy sản AFA khẳng định.
Ngành cá phát triển đã giải quyết được nhiều lao động có việc làm ổn định
7 tháng đầu năm 2018, các DNXK cá tra trong tỉnh XK 67.036 tấn, tương đương 161,14 triệu USD, so cùng kỳ bằng 95,8% về lượng và tăng 21,4% về kim ngạch (trong đó cá tra, cá basa chiếm 96,69% về lượng và 97,46% về kim ngạch). Giá cá tra XK bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 2.403 USD/tấn, tăng bình quân 51 USD/tấn.
Về thị trường, từ đầu năm 2018 đến nay, Châu Á vẫn là thị trường có kim ngạch XK chiếm tỷ trọng trên 50% trong tổng lượng XK. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có kim ngạch chiếm tỷ trọng cao nhất, kế đến là Thái Lan, Ả-Rập-Xê-Út.
“Nguyên nhân tăng cao do nguồn cung ít, giá cá nguyên liệu tăng, giá XK tăng tương ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tỷ giá USD/tiền đồng Việt Nam đang ở mức có lợi cho các DNXK cá tra. Cụ thể, sáng 28-9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 22.470 đồng (tăng 20 đồng so với tuần trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 22.725 đồng và bán ra ở mức 23.118 đồng (tăng 14 đồng so với tuần trước). Như vậy, với tỷ giá này, các DNXK cá tra ra thế giới hết sức phấn khởi. Hiện các DN đang đẩy mạnh XK để hút ngoại tệ về cho quốc gia…” - ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Navico khẳng định.
Từ giá cá tra nguyên liệu đến tỷ giá XK đang hỗ trợ cho ngành cá tra một cách tốt nhất, chính điều này mà trong thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra đã “chạy vốn“ để thả nuôi lại (với mức độ rất nhiều). Đây là điều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi trong lịch sử của ngành cá tra, ngư dân đã từng chứng kiến cảnh “thừa hàng, dội chợ” khi thả nuôi không có hợp đồng bao tiêu từ phía các công ty chế biến, việc này ngư dân cần thận trọng.
“Lợi thế “1 mình 1 chợ” của cá tra Việt Nam tới đây sẽ không còn, đó là điều mà các DN chế biến cần nhìn nhận. Nếu cách đây 10 năm, cá tra phải cạnh tranh với các loại cá thịt trắng khác như: cá tuyết (Gadus morhua), cá minh thái (Pollachius), nay ngoài sự cạnh tranh đó, cá tra không còn hưởng được lợi thế “1 mình 1 chợ” như trước đây. Các quốc gia như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc, sau nhiều năm nghiên cứu, nuôi thể nghiệm thì nay họ đã thành công trong lĩnh vực này. Cụ thể, Ấn Độ nuôi đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn/năm, Indonesia 110.000 tấn/năm. Ngoài ra, Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch được 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam” - ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Navico thông tin.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.