Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 31/08/2018
Ngày cập nhật:
4/9/2018
Mấy năm qua, tỉnh Kiên Giang phát triển thủy sản khá nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,3%; trong đó, nuôi trồng thủy sản tăng liên tục cả mặn - lợ - ngọt và tỉnh có chủ trương quy hoạch để đầu tư phát triển bền vững.
Nuôi cá lồng bè ở biển Nam Du
Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2015 là 202.372 ha, năm 2017 tăng lên 240.630 ha và 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt 195.264ha. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2015 là 183.423 tấn, năm 2017 lên 217.041 tấn, 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt 84.342 tấn. Tỉnh đã khai thác tốt lợi thế tự nhiên với nuôi nước mặn - lợ - ngọt.
Nuôi nước mặn, điển hình là cá lồng bè quanh các đảo của huyện Kiên Hải, Phú Quốc, một vài xã của huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Phần lớn nuôi bè gỗ truyền thống với các loài cá mú, cá bóp, cá chim, hồng mỹ. Tổng số lồng nuôi năm 2015 là 2.635, sản lượng thu hoạch 1.864 tấn, đến năm 2017 số lồng nuôi là 2.848, sản lượng 2.720 tấn; kế hoạch năm 2018 là 3.000 lồng, sản lượng 3.200 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm, giai đoạn 2015 - 2017 là 3,96% về số lồng và 20,93% về sản lượng. Gần đây có mô hình nuôi cá chim, cá hồng mỹ tại Phú Quốc theo công nghệ Nauy, nuôi được xa bờ cho năng suất rất cao, khoảng 30 - 40 tấn/lồng.
Cua biển được nuôi chủ yếu xen canh với tôm, cá, sò huyết khu vực ven biển và xen rừng phòng hộ ở các huyện, thị: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Hòn Đất, Hà Tiên. Sản lượng cua liên tục tăng: Năm 2015 đạt 12.729 tấn, năm 2017 đạt 16.790 tấn, 6 tháng đầu năm 2018 là 6.430 tấn; năng suất trung bình 200 - 300 kg/ha.
Các nhuyễn thể (sò huyết, sò lông, hến biển, nghêu) phát triển với loại hình nuôi bãi triều, xen rừng và ven đảo ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh và thị xã Hà Tiên. Diện tích nuôi năm 2015 đạt 14.500ha, sản lượng 51.033 tấn; năm 2017 là 20.725ha, sản lượng 69.393 tấn; 6 tháng đầu năm 2018 là 36.300ha, sản lượng 75.600 tấn. Năng suất bình quân cả năm 3 - 3,5 tấn/ha.
Nước lợ điển hình là nuôi tôm, tập trung tại vùng Tứ giác Long Xuyên (nuôi công nghiệp-bán công nghiệp) và vùng U Minh Thượng (tôm-lúa), chiếm khoảng 50% diện tích và 30% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, tôm - lúa chiếm 78%; nuôi quảng canh cải tiến 20%, nuôi công nghiệp-bán công nghiệp 2%. Năng suất bình quân tôm nuôi khoảng 546 kg/ha. Cụ thể: Năng suất tôm công nghiệp-bán công nghiệp đạt 7.045 kg/ha; tôm-lúa 445 kg/ha và tôm quảng canh cải tiến 362 kg/ha. Năm 2015, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 20.887ha, sản lượng thu hoạch 6.015 tấn. Năm 2017, diện tích nuôi đạt 26.558ha, sản lượng thu hoạch 9.614 tấn. Kế hoạch 2018 diện tích tôm nuôi 26.666ha, sản lượng đạt 9.650 tấn.
Nuôi nước ngọt, chủ yếu là cá trong ao, ruộng, mùng lưới,... nhỏ lẻ tiêu thụ nội địa ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất và U Minh Thượng. Năng suất ước tính khoảng 1 - 1,7 tấn/ha.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Mục tiêu của Kiên Giang, đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản giảm xuống 211.430ha nhưng sản lượng tăng lên 265.505 tấn, để thu nhập bình quân đầu người trong vùng cao gấp 2 lần mức bình quân của tỉnh. Để đạt được, theo Bí thư Nghị, tập trung vào 3 công tác chính:
Một là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển thủy sản, trọng tâm là công tác thủy lợi với tổng vốn 950 tỷ đồng để đến năm 2020, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản.
Hai là tăng cường năng lực sản xuất, cung ứng giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, bảo đảm chất lượng, sạch bệnh phục vụ nuôi trồng. Đầu tư Trung tâm giống thủy sản Phú Quốc 100 tỷ đồng, đầu tư 6 trại giống thủy sản và hỗ trợ nâng cấp các cơ sở ương nuôi để đến năm 2020, sản xuất giống tại chỗ đáp ứng 70 - 75% nhu cầu.
Ba là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản, nâng lên năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ lồng bè tiên tiến của các nước trong khu vực nuôi thử nghiệm các loài thủy sản ven các đảo trên biển để áp dụng rộng sau năm 2020.
Kiên Giang quy hoạch: Nuôi cá lồng bè ở thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc với các đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao. Nuôi tôm nước lợ ở vùng U Minh Thượng và một phần vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương). Tôm thâm canh-bán thâm canh ở thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Tôm quảng canh cải tiến ở thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Tôm càng xanh trong ruộng ở Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Nuôi cua biển ở thị xã Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh. Các loài nhuyễn thể ở Kiên Lương, Hòn Đất, Phú Quốc, An Biên, An Minh; các loài đặc sản nước ngọt lươn, ếch, ba ba, cá sấu, cá chạch lấu ở Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng và U Minh Thượng.
PHẠM DUY TƯƠNG - TRUNG CHÁNH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.