Nguồn tin: Báo An Giang, 03/09/2018
Ngày cập nhật:
4/9/2018
Hàng năm, khi nước tràn bờ cũng là lúc ngư dân tất bật với công việc mưu sinh trong mùa lũ. Những sản vật mùa nước nổi mang đến nguồn thu nhập kha khá cho người dân sau những chuyến rong ruổi thả lưới, giăng câu... Năm nay, nước lũ về sớm, sản lượng tôm, cá dồi dào hơn so với những năm trước, vì vậy ngư dân rất phấn khởi khi bước vào vụ.
Ảnh: Trung Hiếu
Tăng thu nhập gia đình
Cứ vào tháng 6, 7 (âm lịch), khi kết thúc vụ lúa hè thu, bà con nông dân ở nhiều địa phương lại tất bật chuẩn bị ngư cụ vào mùa đánh bắt thủy sản. Công việc mưu sinh mùa nước nổi tuy vất vả nhưng giúp những hộ dân có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống từ đó cũng khấm khá hơn.
Như nhiều hộ dân khác ở địa phương, anh Phạm Văn Trí (xã Bình Long, Châu Phú, tỉnh An Giang) chuẩn bị ngư cụ để đi “đánh bắt đồng xa”. Mỗi ngày, khoảng 3 giờ sáng, vợ, chồng anh Trí chạy xuồng đến những cánh đồng ngoài khu vực đê bao trong huyện để đặt dớn, đem ra chợ bán cho các tiểu thương. Đến khi trời hừng sáng thì về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho công việc hôm sau.
Anh Trí cho biết: “Dớn được đặt chủ yếu ở các cánh đồng Kênh 15 (xã Bình Phú). Mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch vài chục kg cá, chủ yếu các loại cá linh, cá he, cá sặc, cá rô... nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh. Hiện nay, giá cá linh bán cho bạn hàng với giá 40.000 đồng/kg, các loại cá khác do còn nhỏ nên chúng tôi thả về thiên nhiên. Thu nhập mỗi ngày từ 300.000 - 400.000 đồng”.
Theo đánh giá của anh Trí, năm nay, nước lũ về sớm hơn so với năm rồi, lượng tôm, cá cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, các loại cá còn rất nhỏ nên anh chỉ giữ lại cá linh để bán, các loại cá khác được anh thả lại môi trường tự nhiên.
Phát triển chăn nuôi
Cũng như anh Trí, từ đầu mùa nước đến nay, anh Phạm Văn Lành (ngụ cùng xã Bình Long) tranh thủ đặt mấy cái dớn tại những khu vực gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Ngoài lượng “cá, mắm” bán cho thương lái, anh Lành còn tận dụng cá chết để nuôi thêm 5 vèo lươn, với số lượng khoảng 600kg con giống.
“Hiện gia đình tôi có khoảng 1.000m dớn. Mỗi ngày, từ lúc 12 giờ trưa đi thăm, đến 3 giờ chiều là về. Bình quân mỗi chuyến đi thu khoảng 25 - 20kg cá. Hôm nào trúng thì sản lượng sẽ cao hơn. Cá đem về một phần để bán, một phần để gia đình dùng, còn lại để cho lươn ăn. Nhờ vậy, gia đình tôi đỡ chi phí sinh hoạt hàng ngày, việc chăn nuôi ít tốn kém hơn” - anh Lành cho hay.
Theo anh Lành, nghề đặt dớn có thể làm được quanh năm nhưng đặt chạy nhất là vào mùa lũ. Những ngày thường chủ yếu đặt ở các kênh, rạch. Đến mùa nước lên đặt trên những cánh đồng. Ngoài tạo thu nhập cho ngư dân đặt dớn nói riêng, đánh bắt thủy sản mùa nước nổi nói chung còn tạo điều kiện phát triển các loại vật nuôi như: cá lóc, lươn... qua đó, góp phần giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.
Mùa nước nổi mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng và mang đến nhiều nguồn lợi thủy sản. Mùa nước nổi cũng là mùa làm ăn của nhiều hộ dân trong tỉnh. Trên những con kênh hay những cánh đồng nước mênh mông, hoạt động đánh bắt thủy sản diễn ra khá nhộn nhịp. Các loại hình đánh bắt khá đa dạng, ngoài đặt dớn, ngư dân còn giăng lưới, thả câu, chài lưới... tạo nên bức tranh sinh động cho mùa nước nổi. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân cần có hình thức khai thác hợp lý, tránh khai thác theo lối tận diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hơn hết là bảo vệ “chén cơm” của bà con trong những năm tiếp theo.
ĐÌNH ĐỨC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.