Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 5/9/2018
Ngày cập nhật:
6/9/2018
Trước tình hình cá nuôi lồng bè của ngư dân bị chết hàng loạt tại vùng biển Vĩnh Tân (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào một số thời điểm tháng 4, tháng 5, tháng 6/2018, Sở Nông nghiệp & PTNT đã thành lập Tổ công tác giám sát (Tổ 424), hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân, gồm 10 thành viên là những cán bộ có kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và dịch bệnh thủy sản. Đồng thời mua sắm một số trang thiết bị cần thiết để quan trắc, đo nhanh các chỉ tiêu môi trường; cử cán bộ trực thường xuyên ngày đêm liên tục từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8/2018 để theo dõi diễn biến môi trường và dịch bệnh các bè nuôi của bà con xã Vĩnh Tân.
Tại buổi báo cáo kết quả lần 2 cuối tháng 8/2018, ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổ trưởng Tổ công tác 424 cho biết: Kết quả phân tích mẫu nước trong 4 đợt cho thấy đa số các thông số nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Tuy nhiên, có 2 thông số vượt giới hạn là tổng dầu mỡ và chất rắn lơ lửng trong nước (TSS). Riêng đánh giá kết quả đo nhiệt độ nước biển tại khu vực nuôi cá lồng Vĩnh Tân, nhiệt độ nước biển đo được tương đối phù hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Kết quả đo hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại khu vực nuôi cá: Hàm lượng oxy hòa tan trong nước biển ban ngày đo được luôn thấp hơn QCVN 10: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (>= 5 mg/lít) và vào ban đêm thì luôn thấp hơn ban ngày. Do đó dễ dẫn đến cá nuôi bị thiếu oxy vào ban đêm và gây chết cá. Kết quả phân tích mẫu nước tại các bè nuôi cá: Thông số tổng dầu mỡ vượt giá trị cho phép hơn 30 lần và chất rắn lơ lửng trong nước vượt giá trị cho phép. Đây có thể là nguyên nhân làm cho oxy khó khuếch tán vào trong nước biển dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước biển đo hàng ngày của Tổ công tác thường xuyên thấp hơn giới hạn QCVN 5 mg/lít. Khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước biển thấp, nhất là vào ban đêm và những lúc biển êm, nước đứng dễ dẫn đến cá nuôi bị thiếu oxy và chết...
Trước những phân tích này, nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con, cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo: Khi phát hiện thấy cá có bệnh, cần nhốt cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Tất cả các cá chết đều phải vớt lên và xử lý diệt trùng, không vứt ra biển tạo điều kiện cho bệnh lan truyền. Chọn giống loài nuôi ít mẫn cảm với bệnh tật và môi trường; di chuyển lồng nuôi; sang thưa lồng nuôi khi có dấu hiệu bệnh; thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để chẩn đoán tình trạng sức khỏe cá; không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu; thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh; loại bỏ cá chết ra khỏi lồng, thu gom và hủy cá. Khuyến cáo một số biện pháp nuôi trong điều kiện oxy thấp: San thưa mật độ nuôi cá trong mỗi ô lồng để tránh hiện tượng mật độ nuôi quá dày làm thiếu oxy. Nên duy trì mật độ nuôi dưới 300 con/ô lồng đối với cá nhỏ; dưới 100 con/ô lồng đối với cá sắp thu hoạch. Thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi để lưu thông dòng chảy đảm bảo lượng oxy hòa tan; kiểm tra hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT giao trách nhiệm cho các cơ quan thuộc sở trong thời gian tới cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, triển khai mô hình, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, nhất là hình thức nuôi biển hiện đại cho ngư dân nuôi cá lồng bè. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tổ chức liên kết các hộ theo hình thức phù hợp như thành lập chi hội nuôi cá lồng bè, nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng… Đối với bà con nuôi, cần chọn giống và thả giống đúng thời điểm, xử lý giống trước khi thả, tăng cường liên kết, nâng cao trách nhiệm về an toàn dịch bệnh.
Lần thứ 2 tổ chức công bố nguyên nhân cá lồng bè chết tại xã Vĩnh Tân: Theo quan sát của phóng viên, hầu hết bà con đều không có ý kiến phản đối với kết quả Tổ công tác đưa ra. Đồng thời mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, quan tâm hỗ trợ phần nào thiệt hại do cá chết thời gian qua. Bởi theo họ, nếu không gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, cuộc sống của bà con sẽ rất khó khăn vì không dễ chuyển đổi nghề khi lên bờ!
KIỀU HẰNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.