Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 18/9/2018
Ngày cập nhật:
20/9/2018
Thực hiện Quyết định 60 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2018, xã Hải Dương (Hương Trà) tiến hành sắp xếp lại lồng nuôi theo quy hoạch, song việc triển khai quyết định này hiện gặp không ít khó khăn.
Chăm sóc cá lồng nuôi trên đầm phá ở Hải Dương
Rủi ro
Là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên đầm phá, trong tổng số trên 500 lồng nuôi tại Hải Dương thì có đến 300 lồng nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch thuộc khu vực Bàu thôn 2, ảnh hưởng đến môi trường, rủi ro bởi dịch bệnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương Lê Xuân Hướng, năm 2016, UBND xã triển khai quy hoạch lại vùng nuôi theo quy hoạch được duyệt từ tháng 12/2015 - di dời những lồng, bè cá từ vùng Bàu ra khu vực phá Tam Giang- nhưng do thực hiện không quyết liệt nên bà con vẫn nuôi ở nơi cũ. Vụ nuôi năm đó, hàng chục hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương trắng tay do cá chết hàng loạt. Nguyên nhân theo kiểm tra của các cơ quan chức năng là do hàm lượng oxy trong nước tại vùng nuôi này thấp hơn mức bình thường.
Việc sắp xếp lại lồng bè nuôi cá đúng theo quy hoạch, quy định là điều cần thiết, địa phương đã họp các hộ dân để triển khai, đa số bà con đều tán thành. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, rất ít hộ nuôi đăng ký dời đến vùng nuôi được quy hoạch (thuộc Thai Dương Hạ Nam và Thai Đông Thượng Tây). “Lý do người dân không mặn mà là vùng nuôi mới không tiện cho việc quản lý (xa khu dân cư) và dễ bị mất trộm vào ban đêm”, ông Hướng cho hay.
Ông Trần Ngọc Thiện (67 tuổi), ở Thai Dương Hạ Bắc - một trong những hộ dân ủng hộ chủ trương di dời nói: “Môi trường nuôi ở nơi mới đúng là tốt hơn vùng Bàu: thông thoáng, nước lưu thông tốt. Tuy nhiên, vì cách rất xa so với nơi cũ (phải chèo ghe hơn 1km) nên nếu thời tiết không thuận lợi, bà con rất vất vả trong việc di chuyển đến điểm nuôi để cho ăn cá hàng ngày. Nguồn nước ở đây còn có độ mặn cao hơn”. Chưa kể, khu vực đầm phá rộng lớn, dù các hộ dân thay phiên nhau bảo vệ vẫn rất dễ mất trộm vào ban đêm.
Mới đây, khi kiểm tra lồng, ông Thiện phát hiện mất hơn 400 con cá sắp đến kỳ thu hoạch, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Một hộ dân khác cũng bị trộm vào kéo mất 1 lồng cá nâu trị giá gần 100 triệu đồng.
Không riêng ông Thiện, nhiều hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương cũng bày tỏ lo ngại vì điều kiện an toàn chưa đảm bảo, việc đi lại, chăm sóc vất vả do không có đường giao thông cũng như không có điện ở điểm quy hoạch nuôi mới (khu vực từ trạm bơm cao triều Thai Dương Thượng đến cửa Lạch và từ cửa Lạch - phía Thai Dương Hạ Nam đến sát cửa Thuận An).
Chuyển phương thức nuôi
Ở khu vực nuôi mới, qua theo dõi, đánh giá của UBND xã Hải Dương, hiện cá lồng phát triển tốt và đã xuất bán gần 20 tấn cá các loại; dự kiến từ nay đến tết sẽ thu hoạch khoảng 50-60 tấn cá.
Ông Lê Xuân Hướng cho hay, theo nghị quyết của đảng ủy xã, đến năm 2020, Hải Dương sẽ tăng số lồng nuôi lên 750 lồng. Để hiện thực hóa điều này, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong phát triển nuôi trồng thủy sản: vận động bà con đăng ký nuôi mới, chuyển phương thức nuôi từ lồng cố định sang nuôi bằng lồng bè (sử dụng phao nổi hoặc thùng nhựa). Nuôi lồng bè có ưu điểm là đầu tư kinh phí thấp (từ 3-5 triệu đồng/lồng) nhưng dễ di chuyển. Vào mùa mưa bão, bà con có thể đưa lồng bè từ phá Tam Giang sang vùng Bàu thôn 2 để tránh ngọt hóa, thiệt hại do mưa lũ.
Trước mắt, xã thành lập các tổ, nhóm nuôi cá lồng và thành lập tổ tự quản do các hộ nuôi tham gia. Ông Nguyễn Hữu Nam, Thôn trưởng Thai Dương Hạ Nam, tổ trưởng tổ tự quản bày tỏ: Hiện mới có tổ tự quản xóm Hương Giang với 12 người. Thỉnh thoảng chúng tôi đi thay phiên nhau tuần tra vào ban đêm (sử dụng ghe thuyền mượn của người dân), tuy nhiên, vì những đối tượng trộm bắt cá rất manh động nên nếu được trang bị phương tiện ca nô có công suất lớn thì việc tuần tra, truy bắt trộm sẽ thuận tiện hơn.
“Về lâu dài, xã rất cần nguồn kinh phí để xây dựng vành đai bảo vệ cho vùng quy hoạch nuôi mới, bằng cách cắm cọc bê tông và giăng lưới bảo vệ bên ngoài. Chúng tôi cũng đã đề xuất thị xã quan tâm đầu tư kéo điện và nghiên cứu làm đường (dài khoảng 1km) đến Thai Dương Thượng Tây (từ xóm Cồn Dài về giáp cửa Lạch) để phục vụ công tác chăm sóc, nuôi trồng thủy sản của người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương thông tin.
Theo Quyết định 60 của UBND tỉnh, các cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản, nằm trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng, bè phải có quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành và đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định.
Bài, ảnh: Liên Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.