Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 25/9/2018
Ngày cập nhật:
26/9/2018
Sử dụng chế phẩm sinh học (EM) trong nuôi thủy sản xen ghép và nuôi tôm sú bán thâm canh là hai mô hình vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm thành công.
Thu hoạch tôm-mô hình nuôi chế phẩm EM
Ông Nguyễn Văn Sử ở xã Vinh Giang (Phú Lộc) là một trong 6 hộ được chọn làm thí điểm mô hình vào nuôi thủy sản xen ghép (tôm-cua-cá) trong năm 2018.
“Mô hình sử dụng chế phẩm EM trong nuôi thủy sản không khó, cơ bản giống với phương thức nuôi thông thường, chỉ khác là không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, không lạm dụng thuốc phòng trừ dịch bệnh, kích thích sinh trưởng. Qua vụ nuôi thí điểm cho thấy, các loại thủy sản phát triển tốt, ít dịch bệnh, chất lượng sản phẩm an toàn, lại không bị ô nhiễm nguồn nước ao hồ và các khu vực xung quanh. Sử dụng chế phẩm EM có thể đạt năng suất không cao, bù lại rất an toàn, “ăn chắc”, sản phẩm có giá trị kinh tế”, ông Sử tin tưởng.
Từ đầu năm, TTKN tỉnh triển khai mô hình thí điểm nuôi thủy sản xen ghép sử dụng chế phẩm EM trên diện tích 3ha, với 6 hộ tham gia thuộc các xã Vinh Giang (Phú Lộc), Quảng Thành, Quảng Phước (Quảng Điền). Trong điều kiện thời tiết phức tạp, nắng nóng trong các tháng 6, 7 rất gay gắt song thủy sản vẫn phát triển khá tốt, năng suất bình quân đạt 1,35 tấn/ha, lãi 60 - 70 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi hộ nuôi trên diện tích 0,5ha, lãi từ 30 - 35 triệu đồng/hộ.
Sản phẩm của mô hình nuôi xen ghép sử dụng chế phẩm EM
Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh an toàn được triển khai tại các xã Phú Đa, Phú Mỹ, thị trấn Thuận An (Phú Vang) và xã Quảng Công (Quảng Điền) trên diện tích 5ha cũng mang lại hiệu quả.
Một trong những chủ hộ tham gia mô hình - ông Lê Trọng Đại ở xã Quảng Công chia sẻ: “Với các hồ cao triều, năng suất có thể đạt từ 2 tấn trở lên/ha, hạ triều 1,1 tấn/ha. Điều đáng mừng, quá trình nuôi tôm không xảy ra dịch bệnh, phát triển tốt, giá tôm cao hơn 20 - 30% so với sản phẩm nuôi thông thường”, ông Đại hồ hởi.
Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh cho rằng, mục tiêu của các mô hình hướng đến thay đổi nhận thức, phương thức nuôi trồng an toàn, đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế. Việc sử dụng chế phẩm EM, hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tôm sinh trưởng, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nhưng tôm nuôi vẫn phát triển tốt.
Thuận lợi lớn trong quá trình triển khai các mô hình thí điểm là yếu tố đầu tư sản xuất mang tính tập trung, quy mô lớn hơn nên việc đánh giá kết quả khách quan hơn; so với trước đây thường triển khai dàn trải dẫn đến việc đánh giá kết quả thiếu khách quan, thiếu chính xác. Sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, ban ngành và các hộ dân cũng là yếu tố thuận lợi trong quá trình triển khai mô hình. Các hộ tham gia đều có kiến thức, trình độ cơ bản nên tiếp thu, áp dụng nhanh các quy trình, kỹ thuật. Công tác tuyên truyền, quảng bá các mô hình được chú trọng thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng, địa phương.
Theo ông Phi, khó khăn lớn nhất là điều kiện thời tiết trong mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thủy sản. Trong khi các cơ sở sản xuất, cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo độ tin cậy thì chất lượng tôm giống mua ở các tỉnh khác không đảm bảo, khó kiểm định, kiểm dịch bằng máy PCR (kiểm tra nhanh các mầm bệnh). Một số hộ dân trong quá trình nuôi vẫn chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn, sử dụng chế phẩm EM. Khi có dấu hiệu dịch bệnh, các hộ vẫn sử dụng hóa chất, vôi, thuốc kháng sinh… để xử lý. Việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật chưa được rộng rãi tại nhiều địa phương có điều kiện, tiềm năng nuôi trồng thủy sản.
TTKN tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ứng dụng các mô hình nuôi an toàn, vệ sinh thực phẩm. Từ đó định hướng người dân có sự lựa chọn các loại chế phẩm EM hợp lý, được phép lưu hành theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Ngoài các mô hình mới thí điểm trong năm 2018, đến nay đã có 40 - 50% số hộ nuôi tại các địa phương (thí điểm mô hình) học tập, triển khai ứng dụng quy trình nuôi tôm sú an toàn, nuôi xen ghép thủy sản bằng chế phẩm EM. Qua kiểm tra, đánh giá, hầu hết các hộ nuôi thủy sản đều mang lại hiệu quả khả quan, bình quân mỗi hộ nuôi từ 0,5 - 1ha lãi từ 35 - 75 triệu đồng.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.